Trung Quốc chờ ông Donald Trump quay lại

Với hai thái cực hành động vừa mời gọi vừa răn đe, Bắc Kinh 'đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất'

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lực Phong (He Lifeng) đã gặp gỡ nhiều giám đốc tài chính của Mỹ trong tháng vừa qua, vào thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Hà đã gặp gỡ Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của công ty quản lý tài sản BlackRock, ông Larry Fink, tại Bắc Kinh vào ngày 5-12 và gặp Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, John E. Waldron, hôm 4-12.

Trước đó, vào tháng 11, ông gặp CEO của tập đoàn tài chính Citigroup, Jane Fraser, Chủ tịch kiêm CEO của công ty quản lý tài sản Invesco, Andrew Schlossberg và Chủ tịch Tập đoàn HSBC, Mark Tucker.

Báo chí chuyên ngành tài chính Trung Quốc mô tả các cuộc gặp trên cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở cửa lĩnh vực tài chính và thu hút đầu tư dài hạn từ các tổ chức nước ngoài - vốn được xem là nguồn hỗ trợ cho thị trường nội địa.

"Phía Trung Quốc đang tìm mọi cách để tiếp cận những người ngấp nghé quyền lực ở Washington. Chính là đội ngũ của ông Trump!" - ông Peter Alexander, người sáng lập công ty tư vấn Z-Ben Advisors có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định với kênh CNBC. Theo ông Alexander, kênh liên lạc gián tiếp là phương thức ưa thích của Bắc Kinh khi xây dựng các mối quan hệ.

Một cửa hàng xe điện Tesla ở Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Một cửa hàng xe điện Tesla ở Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Phân tích về xu hướng này, nhà nghiên cứu Clark Packard của Viện Cato (Mỹ) nói: "Những nhân vật ở Phố Wall sắp gia nhập Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ có thể đóng vai trò làm dịu đi xu hướng bảo hộ thương mại".

Ông Packard đánh giá điều duy nhất có thể thực sự khiến ông Trump giảm nhẹ chính sách bảo hộ chính là e ngại phản ứng của thị trường.

Về mặt công khai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi đi nhiều tín hiệu mạnh mẽ. Trong lá thư gửi Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung vào ngày 12-12, ông Tập nhấn mạnh hai bên nên "chọn đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác đôi bên cùng có lợi thay vì tất cả đều thiệt hại" - theo Tân Hoa Xã.

Tương tự, khi tiếp lãnh đạo của các tổ chức kinh tế thế giới lớn tại Bắc Kinh hôm 10-12, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại và chiến tranh khoa học công nghệ đi ngược lại xu hướng lịch sử và các quy luật kinh tế và sẽ không có ai chiến thắng".

Ông Trump dự kiến nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm sau và đã tuyên bố sẽ áp đặt thêm 10% thuế quan đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Thậm chí, khi còn tranh cử, ông đe dọa mức thuế vượt quá 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng này cũng công bố hạn chế xuất khẩu chip nhớ tiên tiến và máy móc sản xuất chip của Mỹ sang các công ty Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh phản ứng bằng cách cấm xuất khẩu một số khoáng sản hiếm dùng trong sản xuất chất bán dẫn và các ứng dụng quân sự.

Chưa hết, đầu tuần này, các cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với gã khổng lồ Nvidia của Mỹ. "Trung Quốc đang chứng tỏ rằng mặc dù cam kết phát triển quan hệ thương mại song họ sẽ không lùi bước trước áp lực từ Mỹ" - ông Daniel Balazs, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, chỉ ra.

Với hai thái cực hành động vừa mời gọi vừa răn đe như trên, theo học giả Zongyuan Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), Bắc Kinh đang để ngỏ nhiều phương án và "đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất".

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận thay vì mạnh tay thực hiện các biện pháp thuế quan nặng nề. "Có thể sẽ có một số thuế quan được áp dụng nhưng theo cách phối hợp chặt chẽ và không quá đột ngột hay quá nặng nề" - ông Sam Radwan, Chủ tịch Công ty Tư vấn Enhance International, phỏng đoán với CNBC.

Chuẩn bị cho "cú sốc thuế quan"

Trung Quốc vừa cam kết sẽ tăng thâm hụt ngân sách, phát hành thêm trái phiếu và nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết nội dung trên khi đưa tin về Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, diễn ra trong ngày 11 và 12-12. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, nợ chính quyền địa phương tăng cao và nhu cầu trong nước yếu. Xuất khẩu là một trong số ít điểm sáng nhưng lại đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao hơn từ Mỹ một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau.

Theo Reuters hôm 11-12, giới lãnh đạo và hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đang cân nhắc cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu vào năm tới để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt thương mại.

Trước đó, Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 9-12 cho biết nước này sẽ chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ "nới lỏng phù hợp" và sử dụng đòn bẩy tài khóa chủ động hơn. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cam kết giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và hạ lãi suất kịp thời.

Theo các nhà phân tích, thông điệp trên cho thấy Trung Quốc đang ưu tiên tăng trưởng hơn rủi ro tài chính. Reuters gần đây đưa tin các cố vấn chính phủ đã khuyến nghị Bắc Kinh giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm sau. Dù vậy, nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen tại Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh) nhận định không dễ đạt mục tiêu này vì "cú sốc thuế quan" của ông Trump có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và chi tiêu vốn.

Xuân Mai

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trung-quoc-cho-ong-donald-trump-quay-lai-196241213211710149.htm
Zalo