Trung Quốc chậm phê duyệt xuất khẩu đất hiếm và nam châm vĩnh cửu, chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao

Trung Quốc đã bắt đầu cho phép xuất khẩu một số lô hàng đất hiếm theo các quy định kiểm soát mới, nhưng tốc độ phê duyệt chậm đang đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, theo những người tham gia ngành công nghiệp này.

Đầu tháng 4, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu với 7 nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu – các vật liệu thiết yếu cho nhiều sản phẩm, từ ô tô điện đến tuabin gió, robot hình người và máy bay chiến đấu.

Sau nhiều tuần trì hoãn, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phê duyệt một số giấy phép xuất khẩu sang châu Âu nhưng với tốc độ quá chậm để đáp ứng nhu cầu, các nhà xuất khẩu, hiệp hội ngành tại Trung Quốc và chuyên gia chuỗi cung ứng chia sẻ với trang Financial Times.

“Cơ hội để tránh thiệt hại nghiêm trọng với hoạt động sản xuất ở châu Âu đang nhanh chóng khép lại”, ông Wolfgang Niedermark, thành viên hội đồng điều hành của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cảnh báo.

Các nhà sản xuất Mỹ, gồm cả Tesla, Ford và Lockheed Martin, đã bày tỏ lo ngại về biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây.

Một giám đốc trong ngành công nghiệp châu Âu tại Trung Quốc (yêu cầu giấu tên) cho biết các sự chậm trễ hiện tại là “không thể chấp nhận được” với các nhà sản xuất nước ngoài, theo Financial Times.

Nam châm vĩnh cửu là loại nam châm có khả năng giữ từ tính một cách lâu dài mà không cần nguồn điện hoặc tác động từ bên ngoài.

Đặc điểm của nam châm vĩnh cửu

Luôn tạo ra từ trường: Khác với nam châm điện (chỉ có từ trường khi có dòng điện chạy qua), nam châm vĩnh cửu có từ tính sẵn và liên tục.

Khó bị mất từ tính trừ khi bị nung nóng quá mức, bị va đập mạnh, hoặc đặt trong từ trường mạnh ngược chiều.

Làm từ vật liệu đặc biệt, thường là hợp kim của đất hiếm như neodymium (NdFeB), samarium-cobalt (SmCo) hoặc các vật liệu như ferrite, alnico...

Ứng dụng

Động cơ điện (ô tô điện, quạt, máy hút bụi...)

Máy phát điện (tuabin gió)

Ổ cứng máy tính, loa, tai nghe

Robot, thiết bị y tế, vũ khí hiện đại (ví dụ máy bay F-35 dùng nhiều nam châm đất hiếm)

Việc Trung Quốc mở rộng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm là phản ứng với loạt thuế đối ứng sâu rộng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2.4.

Biện pháp kiểm soát này yêu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép từ các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc với các lô hàng gồm 7 loại đất hiếm và nam châm vĩnh cửu được làm từ chúng. Động thái này làm nổi bật đòn bẩy địa chính trị mà Trung Quốc có được nhờ thống trị với nguồn cung khoáng sản cho thế giới.

Hiện chưa rõ Trung Quốc đã bắt đầu phê duyệt xuất khẩu đất hiếm và nam châm vĩnh sang Mỹ hay chưa, kể từ khi hai siêu cường đồng ý tạm ngừng cuộc chiến thuế quan trong tháng này.

Công ty Yantai Zhenghai Magnetic Material ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết đã nhận được giấy phép xuất khẩu và tiếp tục nhận đơn hàng từ một số khách.

Theo nguồn tin khác của Financial Times, ít nhất một lô hàng được gửi tới hãng ô tô Volkswagen tại Đức (cho hoạt động sản xuất) đã được phê duyệt.

Volkswagen cho biết nguồn cung các bộ phận chứa đất hiếm vẫn ổn định và các nhà cung cấp của họ đã được cấp “một số lượng hạn chế các giấy phép xuất khẩu này”.

Bộ Thương mại Trung Quốc không phản hồi câu hỏi tìm kiếm bình luận của Financial Times.

Trung Quốc thống trị nguồn cung đất hiếm, nguyên liệu quan trọng với nhiều công nghệ khác nhau - Ảnh: Internet

Trung Quốc thống trị nguồn cung đất hiếm, nguyên liệu quan trọng với nhiều công nghệ khác nhau - Ảnh: Internet

Lo ngại lan rộng

Có những lo ngại lan rộng trong ngành rằng bộ máy cấp phép của Trung Quốc sẽ bị quá tải khi số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng.

Các công ty châu Âu “không chắc làm thế nào để chứng minh” rằng lô hàng của họ sẽ không bị tái xuất khẩu sang Mỹ – điều vi phạm điều kiện cấp phép, theo một giám đốc.

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, nói với các nhà đầu tư hồi tháng 4 rằng Trung Quốc đã yêu cầu cam kết rằng các nam châm đất hiếm mà hãng này cần để lắp đặt cánh tay robot sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự. “Đây là một ví dụ về những thách thức hiện tại, nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua được những vấn đề đó”, tỷ phú giàu nhất thế giới nói.

Rajesh Jejurikar, Giám đốc điều hành bộ phận ô tô của tập đoàn Mahindra & Mahindra (Ấn Độ), nói quy trình chứng nhận mục đích sử dụng cuối cùng, nhằm đảm bảo nguồn cung không được sử dụng cho vũ khí, “hiện vẫn chưa rõ ràng”.

Một nhà quản lý tại Chengdu Galaxy Magnets (công ty chuyên bán nam châm vĩnh cửu) cho biết việc ngăn chặn các lô hàng liên quan đến quân sự là mối quan tâm của giới chức Trung Quốc. Bà cho biết Chengdu Galaxy Magnets đang giúp khách hàng chuẩn bị các văn bản trình cơ quan chức năng để xin phép xuất khẩu, nhưng các đơn hàng “liên quan đến mục đích quân sự” không được chấp thuận.

“Xuất khẩu cho mục đích phi quân sự thì vẫn có thể được cho phép”, bà nói, yêu cầu giấu tên.

Nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong các loại máy bay chiến đấu, chẳng hạn F-35 của hãng Lockheed Martin. Những quy định kiểm soát mới từ Trung Quốc được cho sẽ gây ra vấn đề ngắn hạn và buộc chuỗi cung ứng phải thay đổi trong dài hạn.

Evan Scott, Giám đốc tài chính Lockheed Martin, nói với các nhà đầu tư rằng công ty này có đủ đất hiếm dùng cho cả năm nay. Ông tin rằng chính quyền Mỹ sẽ ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho Lockheed Martin “vì tầm quan trọng từ các chương trình của chúng tôi”.

Cameron Johnson, đối tác tại công ty Tidalwave Solutions ở thành phố Thượng Hải, cho rằng một số công ty lớn có quan hệ lâu dài với Trung Quốc đã được phép tiếp cận đất hiếm ngay cả trước khi được cấp giấy phép. “Vẫn có vật liệu được xuất khẩu”, chuyên gia về sản xuất và chuỗi cung ứng này cho hay.

Cory Combs, Phó giám đốc tại công ty tư vấn Trivium China (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh), nói hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc “đột ngột cắt đứt hoàn toàn” việc xuất khẩu.

Với lệnh ngừng cuộc chiến thuế quan tạm thời trong 90 ngày giữa hai siêu cường, Cory Combs dự đoán Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ cấp thêm giấy phép, nhưng cảnh báo rằng sự bất ổn vẫn còn.

“Mọi người đều muốn Bộ Thương mại Trung Quốc làm rõ tình hình. Thế nhưng, lợi thế chiến lược của Trung Quốc phần nào nằm ở khả năng sử dụng đòn bẩy kiểm soát xuất khẩu, chừng nào Mỹ chưa đưa ra một thỏa thuận thỏa đáng”, Cory Combs nhận định.

Phương Tây nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng biện pháp kiểm soát đất hiếm mới nhất sẽ thúc đẩy các nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy nhu cầu với khoáng sản đất hiếm, thành phần then chốt nằm trong trung tâm của công nghệ và phần cứng AI, nhưng thị trường toàn cầu cho những vật liệu này lại rất phức tạp và dễ bị gián đoạn.

“Những nguyên liệu đầu vào khan hiếm và tập trung ở một số ít quốc gia này cực kỳ dễ bị gián đoạn, khiến chúng trở thành chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh sự thống trị AI”, các nhà phân tích của Barclays nhận định trong một báo cáo. Barclays là tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại London, thủ đô Anh.

Các kim loại đất hiếm nổi bật nhờ đặc tính từ tính độc đáo, là huyết mạch của công nghệ bán dẫn và trung tâm dữ liệu.

“Trung Quốc nổi bật là nhà cung cấp khoáng sản tinh chế hàng đầu thế giới, cung cấp gần 80% lượng coban đã qua chế biến, 65% lithium tinh chế, 44% đồng tinh chế và 27% niken tinh chế. Tổng thể, Trung Quốc chiếm gần 50% thị trường khoáng sản tinh chế toàn cầu”, theo báo cáo của Barclays.

Trung Quốc rất ý thức về đòn bẩy mà họ nắm giữ trong lĩnh vực này. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao vào tháng 4, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp dụng kiểm soát xuất khẩu với kim loại đất hiếm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng đất hiếm bị siết chặt. Hiện tại, không có hoạt động tách đất hiếm nặng nào đang diễn ra tại Mỹ. Mất quyền tiếp cận các vật liệu này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất chip và thiết bị quốc phòng.

Đất hiếm nặng là nhóm nguyên tố đất hiếm có trọng lượng nguyên tử lớn hơn, thường hiếm hơn và có giá trị cao hơn so với đất hiếm nhẹ.

Trung Quốc có thể giữ ngôi vương về kim loại tinh chế và khoáng vật từ tính, nhưng các quốc gia khác đang dần mở rộng vai trò trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu thô.

Chile, Cộng hòa Dân chủ Congo và Guinea là những nhà sản xuất hàng đầu, mỗi nước thống trị một loại quặng cụ thể. Những quốc gia này tập trung cải thiện năng lực khai thác, trong đó xuất khẩu nhôm của Guinea đã tăng gấp 12 lần kể từ năm 2010.

Barclays nhận định: “Bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đáng tin cậy, các nước mới nổi và đang phát triển có thể giành được lợi thế địa chính trị. Họ có thể thiết lập các mối quan hệ thương mại chiến lược với những nền kinh tế công nghệ như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản”.

Cuối tháng 4, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Ukraine, cấp cho họ quyền tiếp cận ưu tiên các nguồn tài nguyên của nước này, gồm cả kim loại và khoáng sản quan trọng cho AI.

Theo trang The Independent, Ukraine sở hữu những mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu với giá trị ước tính hơn 12.000 tỉ bảng Anh, phần lớn chưa được khai thác. Điểm đặc biệt là Ukraine nắm giữ đến nửa triệu tấn lithium (lớn nhất châu Âu).

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-cham-phe-duyet-xuat-khau-dat-hiem-va-nam-cham-vinh-cuu-chuoi-cung-ung-toan-cau-lao-dao-232741.html
Zalo