Trung Quốc can thiệp để cứu thị trường trên đà lao dốc

Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc vừa can thiệp để hỗ trợ thị trường chứng khoán đang trên đà lao dốc vì lo ngại chính sách thuế quan của Mỹ.

Bảng điện tử hiển thị các chỉ số chứng khoán tại khu Tài chính Lujiazui ở Thượng Hải, ngày 2/4. (Ảnh: Reuters)

Bảng điện tử hiển thị các chỉ số chứng khoán tại khu Tài chính Lujiazui ở Thượng Hải, ngày 2/4. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/4, Central Huijin Investment, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), cho biết đã mua thêm cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc thông qua các quỹ ETF và sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ nhằm đảm bảo hoạt động suôn sẻ của thị trường vốn.

Trước đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 7%, mức giảm theo ngày tồi tệ nhất trong vòng 5 năm, sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Trung Quốc.

Lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang và nguy cơ suy thoái toàn cầu khiến giới đầu tư bán tháo hàng loạt cổ phiếu.

Tuyên bố của Huijin đã giúp thị trường Trung Quốc phục hồi. Từ khi ông Trump công bố mức thuế mới, thị trường Trung Quốc giảm 7,6%, nhẹ hơn đáng kể so với mức giảm 13% của chỉ số Nikkei ở Nhật Bản.

Huijin khẳng định “rất lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường vốn Trung Quốc và hoàn toàn nhận thấy giá trị đầu tư hiện tại của cổ phiếu loại A”.

Ông Wen Hao, một nhà giao dịch cổ phiếu và giám đốc công ty dịch vụ định lượng Yingzhiliang Hangzhou Technology, cho rằng thị trường khó có thể giảm sâu hơn do đã có hỗ trợ từ quỹ nhà nước và khả năng Trung Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ, kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông William Xin, Chủ tịch hãng quản lý đầu tư Spring Mountain Pu Jiang Investment Management, cho rằng các biện pháp hỗ trợ như vậy không đủ để bù đắp tác động của một cuộc chiến thương mại lan rộng, trong đó các doanh nghiệp chật vật tìm đơn hàng, định giá và giữ chân khách hàng.

“Việc săn cổ phiếu giảm giá bây giờ chẳng khác gì bắt dao rơi, nên tôi muốn giữ tiền mặt cho đến khi thị trường ổn định hơn”, ông cho biết.

Huijin là một trong các nhà đầu tư thuộc “Đội quốc gia” được nhà nước hậu thuẫn, có nhiệm vụ ổn định thị trường khi biến động. Những đơn vị khác bao gồm Công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) và các tổ chức đầu tư do Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc kiểm soát.

Huijin từng can thiệp bằng cách mua cổ phiếu qua ETF trong đợt lao dốc vào mùa xuân năm 2024. Tính đến cuối năm ngoái, Huijin nắm giữ lượng ETF trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD), theo số liệu của Guosen Securities.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian vừa chỉ trích Mỹ “bắt nạt kinh tế” khi đưa ra mức thuế mới. Ông cho rằng đe dọa và gây sức ép không phải là cách đúng đắn để giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/4, ông Lin Jian cho rằng việc Mỹ áp mức thuế mới là “hành động điển hình của chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ”.

Ông cho rằng việc Mỹ viện dẫn lý do “thuế đối ứng” thực chất chỉ phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại đến các quốc gia khác.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thêm mức thuế 34% lên hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng thuế quan trong năm nay lên 54%. Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa tương tự. Ông Lin Jian từ chối trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đàm phán với Mỹ hay không.

Từ ngày 5/4, hải quan Mỹ bắt đầu thu 10% thuế đơn phương với hầu hết hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “việc Mỹ lạm dụng thuế quan chẳng khác gì tước đoạt quyền phát triển của các nước, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu”, và lưu ý các quốc gia nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ông cho biết, Trung Quốc sẽ nêu vấn đề thuế quan “đối ứng” của Mỹ tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/4. Trung Quốc cũng đã chính thức khiếu nại lên WTO.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-can-thiep-de-cuu-thi-truong-tren-da-lao-doc-post1731748.tpo
Zalo