Trung Quốc cản bước Apple dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ
Việc Apple đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại sẽ bị tổn thất về đầu tư và việc làm.
Apple đang trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng từ tập trung vào Trung Quốc sang nhiều địa bàn hơn. Khi công ty đạt được những bước tiến lớn tại Ấn Độ, Trung Quốc lo ngại sẽ bị tổn thất về đầu tư và việc làm.
Tờ Financial Times vừa có bài viết nêu bật những khó khăn mà nhà sản xuất iPhone gặp phải trên hành trình này. Do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các quan chức tại Karnataka và Tamil Nadu – hai bang đặt nhà máy iPhone – phải gọi Apple là “công ty hoa quả” khi trò chuyện, theo Financial Times.
Trung Quốc hiểu nguy cơ mà Ấn Độ đặt ra với vị thế thống trị của mình trong sản xuất và đang chủ động đối phó. Hồi tháng 1, nước này bắt đầu siết xuất khẩu vật liệu quan trọng và trang thiết bị công nghệ cao cấp.
Đây là nguyên liệu Apple và chuỗi cung ứng cần để sản xuất linh kiện iPhone và sản phẩm khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngăn Apple đưa một số kỹ sư trong nước sang Ấn Độ để ngăn chặn chảy máu chất xám.

CEO Apple Tim Cook dự lễ khai trương Apple Store đầu tiên tại Ấn Độ năm 2023. Ảnh: X
Đối với Apple, những động thái của Bắc Kinh khiến họ không thể nhanh chóng xây dựng chuỗi sản xuất ngang bằng với Trung Quốc. Khi bị hạn chế về nguyên vật liệu và trang thiết bị, đối tác như Foxconn phải tìm những nhà cung ứng khác đáp ứng tiêu chuẩn của Apple nhưng không bị ảnh hưởng từ sự can thiệp của đại lục.
Sự can thiệp không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mà bản thân Apple cũng đối mặt với áp lực từ chính phủ. Năm 2023, Trung Quốc cấm nhân viên nhà nước dùng thiết bị Apple.
Ngoài ra, các quy định pháp lý còn buộc “Táo khuyết” phải tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt. Chẳng hạn, muốn đưa tính năng AI lên iPhone, công ty phải bắt tay với một công ty nội địa.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ đang làm mọi cách để hỗ trợ Apple thiết lập hoạt động, từ tài trợ hàng tỷ USD như một phần của Sáng kiến liên kết sản xuất đến nới lỏng quy định để hãng mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại đây.
Ấn Độ không chỉ muốn đưa Apple đến mà còn hướng tới các nhà cung ứng của họ. Theo Financial Times, các quan chức thường xuyên sang Đài Loan (Trung Quốc) để mời gọi hai nhà thầu Wistron và Foxconn đến với Ấn Độ.
Nỗ lực này cho đến nay đã tiến triển khá tốt. Ấn Độ được dự đoán sẽ đóng góp hơn 20% sản lượng iPhone toàn cầu trong năm 2025. Dù vậy, vẫn còn một số thách thức về nhân sự.
Quan chức Ấn Độ thừa nhận họ cần nỗ lực nhiều hơn để trở thành công xưởng quy mô lớn mà Apple và các doanh nghiệp khác cần.
Kế hoạch mở rộng của Apple sang Ấn Độ và các nước khác, bao gồm Việt Nam, là nhằm giảm thiểu rủi ro. Sau khi xây dựng chuỗi cung ứng khổng lồ tại Trung Quốc, trong chưa đầy một thập kỷ, Apple đã vài lần nếm “trái đắng”.
Trong dịch Covid-19, chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn do phong tỏa. Nhà sản xuất iPhone phải tìm cách tiếp cận khác nếu không muốn lặp lại điều này.
Một yếu tố rủi ro khác là căng thẳng địa chính trị như thương chiến Mỹ - Trung đã chứng minh trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump.
Dù Apple né được ảnh hưởng từ thuế quan trong thời gian này, không có gì bảo đảm họ sẽ “thoát hiểm” với lần đánh thuế 10% tất cả hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc hiện nay. Như vậy, iPhone có thể phải tăng giá bán tại Mỹ.
Vì nhiều lý do, Apple đang kiên trì tăng cường sản xuất tại Ấn Độ và các nước khác ngoài Trung Quốc. Họ phải làm điều này trong khi Trung Quốc cũng đang tìm cách làm chậm tiến trình dịch chuyển của Apple.
(Theo Apple Insider/The Financial Times)