Trừng phạt Nga: Moscow không kỳ vọng Nhà Trắng thay đổi lập trường, bổ sung nhiều tổ chức của Mỹ vào 'danh sách đen', Hungary thẳng thắn nêu quan điểm

Ngày 17/1, Điện Kremlin cho biết không kỳ vọng Mỹ sẽ nới lỏng lập trường về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Nga khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, mặc dù chính quyền của ông sẵn sàng đối thoại về cuộc xung đột Ukraine.

Nga không kỳ vọng Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống đắc cử Donald Trump nới lỏng lập trường về lệnh trừng phạt. (Nguồn: Shutterstock)

Nga không kỳ vọng Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống đắc cử Donald Trump nới lỏng lập trường về lệnh trừng phạt. (Nguồn: Shutterstock)

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã đưa ra nhận định trên sau khi ứng viên Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Scott Bessent, tuyên bố "100% ủng hộ" việc tăng cường trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu mỏ Nga nếu ông Trump yêu cầu.

Ông Peskov nhấn mạnh, Nga không thể kỳ vọng Mỹ sẽ thay đổi căn bản lập trường về các biện pháp trừng phạt.

Với tình hình hiện tại, Điện Kremlin tiếp tục theo dõi sát sao các động thái từ Mỹ và vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này.

Trước đó, trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có hành động quyết đoán đối với dầu mỏ của Nga - công bố lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với ngành dầu mỏ của Moscow, đưa gần 200 tàu thuộc "hạm đội bóng tối" vào danh sách đen và nhắm vào các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của xứ bạch dương là Gazprom Neft và Surgutneftegas.

Theo dữ liệu của Kpler, các tàu chở dầu bị trừng phạt chiếm khoảng 42% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga, chủ yếu là sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với dầu mỏ Nga được công bố hôm 10/1 có thể gây gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng và phân phối dầu mỏ của Nga.

Ứng cử viên Ngoại trưởng được Tổng thống đắc cử Trump đề cử, Thượng nghị sỹ Marco Rubio, ngày 15/1 cho biết, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga có thể được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng về một nền hòa bình ở Ukraine.

* Cùng ngày 17/1, trong một động thái trả đũa các lệnh trừng phạt, thông báo của Bộ Tư pháp Nga cho biết, Bộ này đã bổ sung Ủy ban An ninh và hợp tác châu Âu (Ủy ban Helsinki) trực thuộc Quốc hội Mỹ, Quỹ help heroes of Ukraine của Mỹ (Hãy hỗ trợ các anh hùng Ukraine) và Liên minh quốc tế về tự do tôn giáo Mỹ (IRFBA) vào danh sách các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và quốc tế có hoạt động được coi là không mong muốn trên lãnh thổ Nga.

Vào tháng 12/2024, Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga đã công nhận hoạt động của các tổ chức này là không mong muốn trên lãnh thổ Liên bang Nga.

* Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia liên quan vấn đề trừng phạt Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, đã đến lúc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Theo ông, EU sẽ phải thích ứng với một kỷ nguyên mới khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và cần xây dựng mối quan hệ với Moscow mà "không có lệnh trừng phạt".

(theo Reuters)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-phat-nga-moscow-khong-ky-vong-nha-trang-thay-doi-lap-truong-bo-sung-nhieu-to-chuc-cua-my-vao-danh-sach-den-hungary-thang-than-neu-quan-diem-301341.html
Zalo