Trùng Khánh nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc

Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chương trình, dự án thuộc các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc huyện Trùng Khánh có thêm những cơ hội để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Minh chứng rõ nét nhất được thể hiện qua sự đổi thay và phát triển ở Trùng Khánh, đó là đời sống vật chất và tinh thần người dân được quan tâm. Tỷ lệ dân số được sử dụng điện đạt 100%; tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch trên 98%; các tuyến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 98%, đường xã, xóm bê tông hóa 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,34%; 201/203 xóm, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cơ bản đáp ứng các hoạt động dạy và học. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thông qua các chương trình hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, hỗ trợ vay tín dụng… Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.

Đạt được kết quả trên, huyện chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc. Hằng năm, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách dân tộc và các nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện; hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập ban quản lý xã, ban phát triển thôn, ban giám sát cộng đồng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của huyện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách. Thông qua CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các công trình xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư, các công trình văn hóa, lịch sử, du lịch được chú trọng. Nhiều công trình đã bàn giao, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hằng năm, huyện duy trì thực hiện các chế độ, chính sách với 203 người có uy tín, phát huy vai trò gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng các DTTS. Lồng ghép nguồn vốn của các CTMTQG với các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đầu giai đoạn đến nay, huyện được giao 321,236 tỷ đồng thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, 161,210 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 160,026 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện 10 dự án của chương trình. Riêng năm 2024, thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 730 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 77 hộ nghèo. Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, triển khai trồng cây dẻ 190,83/217,8 ha, đạt 87,6% kế hoạch.

Huyện Trùng Khánh lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác đầu tư mở đường vào các xóm.

Huyện Trùng Khánh lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác đầu tư mở đường vào các xóm.

Lồng ghép thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 - Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các trường học; tổ chức hội nghị tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại 12 xã với 1.213 lượt người tham gia. Năm 2024, tổ chức 20 buổi tuyên truyền với 1.759 lượt người nghe; 4 hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 4 trường THCS với 638 học sinh tham gia.

Thang Sặp là xóm đặc biệt khó khăn của xã Cao Chương với 52 hộ, 100% là dân tộc Mông, nhận thức của bà con nhìn chung còn thấp; nếp sống, sinh hoạt còn lạc hậu; bà con ngại vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế do không biết cách sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Từ triển khai các chương trình chính sách dân tộc, cùng với sự quyết tâm tuyên truyền, vận động, nhận thức của bà con dần chuyển biến. Từ năm 2019 đến nay, xóm có 25 hộ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế; 100% hộ làm chuồng trâu, bò riêng biệt, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Qua đó, hộ nghèo giảm còn 38 hộ (chiếm 73%), 9 hộ cận nghèo (chiếm 17%).

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trùng Khánh Hoàng Đức Độ cho biết: Mặc dù được Nhà nước đầu tư một số hạng mục công trình nhưng do hạ tầng cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, người dân chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nên đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, mức thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Để các chương trình, dự án thuộc chính sách dân tộc đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực hơn, huyện tập trung các nguồn lực từ các CTMTQG ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và xóm vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm xuống 5%. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích đồng bào DTTS khởi nghiệp, vươn lên làm giàu. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng đồng bào DTTS, hình thành các chuỗi giá trị đối với một số cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng, tạo sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trung-khanh-nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-3174135.html
Zalo