Trứng hai lòng đỏ có thể nở ra hai chú gà con? Câu trả lời không hề đơn giản

Trong tự nhiên, mỗi quả trứng gà thường chỉ chứa một lòng đỏ, và tương ứng với đó là khả năng nở ra một chú gà con duy nhất. Tuy nhiên, hiện tượng trứng hai lòng đỏ không hiếm gặp, từ đó làm dấy lên câu hỏi: Liệu một quả trứng có hai lòng đỏ có thể nở ra hai chú gà con hay không?

Theo lý thuyết, để một quả trứng có thể nở ra hai gà con, cả hai lòng đỏ đều phải được thụ tinh. Nếu chỉ có một lòng đỏ được thụ tinh thì kết quả vẫn chỉ là một phôi thai phát triển, do đó chỉ có thể nở ra một con. Trong trường hợp cả hai lòng đỏ đều thụ tinh, về mặt lý thuyết, trứng có thể nở ra hai gà con, tuy nhiên tỷ lệ thành công rất thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong suốt quá trình phát triển.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1996 bởi các nhà khoa học tại Đại học Bang Ohio (Ohio State University) đã cung cấp số liệu cụ thể về vấn đề này. Trong thí nghiệm, họ đã ấp 164 quả trứng hai lòng đỏ có cả hai lòng đỏ đã được thụ tinh trong điều kiện nhiệt độ phù hợp suốt 20 ngày. Kết quả chỉ có 44 quả trứng nở ra được tổng cộng 88 con chim non, tương đương tỷ lệ sống sót chỉ đạt 22,8%.

Vậy vì sao tỷ lệ nở của trứng hai lòng đỏ lại thấp đến vậy? Các chuyên gia đưa ra ba nguyên nhân chính.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất: Thiếu hụt dinh dưỡng và không gian phát triển

Mặc dù trứng hai lòng đỏ có kích thước lớn hơn thông thường, nhưng phần lòng trắng và thể tích bên trong lại không tăng tương ứng. Trong một quả trứng, lòng đỏ và lòng trắng chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho phôi thai. Khi có hai phôi cùng phát triển, sự thiếu hụt dinh dưỡng và không gian dễ dẫn đến tình trạng cả hai đều yếu, hoặc một phôi phát triển mạnh hơn, chiếm ưu thế và làm phôi còn lại bị thoái hóa. Ngay cả khi chỉ còn một phôi tiếp tục phát triển, phôi này cũng thường không đạt chất lượng bình thường và có thể tử vong do hiện tượng dính noãn hoàng.

Thứ hai: Màng niệu không thể đóng kín

Trong quá trình phát triển, phôi gà tạo ra các màng bao quanh để hỗ trợ trao đổi chất và hô hấp, tương tự như nhau thai ở động vật có vú. Đến ngày thứ 10–11 của quá trình ấp, màng niệu (allantois) của phôi phải tiếp xúc hoàn toàn với mặt trong vỏ trứng để đảm bảo chức năng hô hấp. Tuy nhiên, khi có hai phôi cùng phát triển, màng niệu của cả hai sẽ cạnh tranh không gian khiến quá trình khép kín bị cản trở. Kết quả là phôi có thể bị ngạt và chết do không thể trao đổi khí hiệu quả.

Thứ ba: Giai đoạn mổ vỏ trứng

Ngay cả khi cả hai phôi vượt qua được các trở ngại phát triển và đạt tới giai đoạn nở, quá trình mổ vỏ để chui ra ngoài cũng đặt ra một thách thức lớn. Vỏ của trứng hai lòng đỏ không chỉ dày mà bên trong còn bị lấp đầy bởi hai cơ thể phôi, khiến các con non khó xoay sở để tìm vị trí thích hợp mổ vỏ. Nếu gà con không xuyên thủng được màng vỏ bên trong hoặc không tiếp cận được túi khí để bắt đầu hô hấp, chúng sẽ chết ngạt ngay trước khi kịp chào đời.

Trường hợp may mắn khi gà con có thể nở ra thành công thì vẫn chưa phải kết thúc. Do điều kiện phát triển kém bên trong trứng, cá thể non thường rất yếu và dễ tử vong chỉ sau khoảng từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 13 sau khi nở.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, một quả trứng hai lòng đỏ với cả hai lòng đỏ đã được thụ tinh hoàn toàn có khả năng nở ra hai chú gà con. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công thấp hơn đáng kể so với trứng một lòng đỏ, chủ yếu do các yếu tố hạn chế về không gian, chất dinh dưỡng, trao đổi khí và điều kiện nở trong trứng. Đây là một minh chứng cho thấy, trong sinh học, không phải mọi điều tưởng chừng khả thi về lý thuyết đều dễ dàng xảy ra trong thực tế.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/trung-hai-long-do-co-the-no-ra-hai-chu-ga-con-cau-tra-loi-khong-he-don-gian/20250508094959838
Zalo