Trung Bộ bước vào đợt mưa lớn, đề phòng ngập úng các đô thị
Sáng nay (25/9) các tỉnh từ Bình Định ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế và lên Tây Nguyên mưa như trút nước. Mưa đang lan dần ra Bắc Trung Bộ trong ngày 25/9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (25/9), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 24/9 đến 08h ngày 25/9 có nơi trên 100mm như: Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 212.4mm, Hòa Cường Nam (Đà Nẵng) 162.2mm, Sơn Phong (Quảng Nam) 162.2mm, Bình Tân (Quảng Ngãi) 154.2mm, Bồng Sơn (Bình Định) 103mm,...
Dự báo từ ngày 25-27/9, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Ở Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-200mm, có nơi trên 230mm; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.Bắc và Trung Trung Bộ. Cảnh báo chiều và đêm 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 120mm; khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển từ 7 giờ ngày 25/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, sáng nay (25/9) các tỉnh từ Bình Định ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế và lên Tây Nguyên mưa như trút nước. Mưa đang lan dần ra Bắc Trung Bộ trong hôm nay. "Bà con lưu ý đề phòng ngập lụt cục bộ ở các tuyến đường đô thị và khu dân cư thấp trũng. Sáng nay là ngày đầu tuần mọi người phải đi làm nên cân nhắc lựa chọn những cung đường không bị ngập để di chuyển", TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.
Cảnh báo lũ trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Hiện nay, mực nước trên các sông tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum đang biến đổi chậm và ở mức thấp hơn báo động 1. Cảnh báo từ nay (ngày 25/9) đến ngày 27/9, trên các sông tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 3-6m, tại hạ lưu từ 1,5-2,5m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu các sông dao động ở mức báo động 1 (riêng các sông nhỏ ở Kon Tum lên mức báo động 1- báo động 2); hạ lưu các sông chính ở dưới báo động 1.
Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Ngày 25/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành Công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn thành phố.
Theo đó, để chủ động đối phó với diễn biến của ATNĐ và mưa lớn, ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn), khu vực nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ".