Trumponomics 2.0 lộ diện!
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn với cả thế giới.
![Nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào Trumponomics 2.0. (Nguồn: my-cpe.com)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_194_51424591/3ff7eafad3b43aea63a5.jpg)
Nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào Trumponomics 2.0. (Nguồn: my-cpe.com)
Ông Donald Trump đã chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Dù các đường nét cơ bản trong chính sách Trumponomics 2.0 đã dần lộ diện, gần như những gì ông Trump vạch ra trong chiến dịch tranh cử, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về hệ quả của chúng đối với nước Mỹ, cũng như toàn cầu.
Cuộc thử nghiệm của ông Trump?
Sau chiến thắng áp đảo của phe Cộng hòa, giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do khiến cử tri Mỹ chọn ông Donald Trump trong cuộc đua bầu cử 2024, nhưng lý do lớn nhất chính là kinh tế.
Trở lại Nhà Trắng chưa đầy một tháng, nhưng Tổng thống Trump và những người ủng hộ trung thành đang dần tập hợp và định hình nên các đường nét của một chính quyền MAGA (Make America Great Again) mới. Họ coi các thế lực chính đang làm tổn hại người Mỹ chính là kinh tế toàn cầu hóa và biên giới quá rộng mở.
Theo họ, kinh tế toàn cầu hóa không cho phép nền kinh tế Mỹ phát triển vì các đối tác thương mại và đồng thời là đối thủ (đặc biệt là Trung Quốc) đã tận dụng lợi thế cạnh tranh để đối đầu với hàng hóa Mỹ, phá giá thị trường lao động bằng cách cung cấp lực lượng lao động rẻ hơn cho các nhà sản xuất xứ cờ hoa. Người nhập cư bị xem là “đánh cắp” việc làm và tiêu tốn ngân sách từ các chương trình phúc lợi xã hội từ chăm sóc sức khỏe đến bảo hiểm trẻ em - vốn chỉ nên dành cho người dân Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ xác định “kẻ thù trong” đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới chính là bộ máy quan liêu với các quy định hành chính và các khoản chi lớn từ ngân sách. “Bàn tay” của các cơ quan quản lý cũng được cho đang nhúng quá sâu vào sự phát triển của doanh nghiệp, áp đặt gánh nặng thuế không công bằng.
Để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại và giúp người Mỹ thịnh vượng hơn, trong lễ nhậm chức, Tổng thống Trump cam kết nhanh chóng cải tổ các mối quan hệ thương mại quốc tế, tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu, tăng khai thác năng lượng hóa thạch và thúc giục Quốc hội thông qua một vòng giảm thuế. Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này, Tổng thống Trump đã ký hơn 200 văn kiện ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, hủy các sắc lệnh của người tiền nhiệm và cam kết “làm tất cả” để kiềm chế lạm phát. Tân Tổng thống Mỹ kêu gọi hành động nhằm hạ giá nhà; loại bỏ các chi phí, quy định không cần thiết khiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ gia dụng đắt đỏ; hủy các chính sách về khí hậu vì cho rằng nó khiến thực phẩm và năng lượng tăng giá...
Giới chuyên gia tỏ ra e ngại trước việc ông chủ Nhà Trắng mạnh tay tiến hành hàng loạt thay đổi lớn. “Sự bất ổn cũng là một loại thuế với nền kinh tế. Trong quản lý kinh tế vĩ mô, nếu không có một kế hoạch rõ ràng, mọi người sẽ dừng ra quyết định, khiến hoạt động kinh tế giảm tốc”, chiến lược gia trưởng David Kelly của JPMorgan Asset Management nhận định.
Bên cạnh đó, khi cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ vẫn chưa kết thúc, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lo ngại chính sách của ông Trump có thể đẩy giá cả tăng tốc trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã tăng 0,4% so với tháng 11, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm ngoái, cho thấy Fed vẫn còn nhiều việc phải làm.
Dù vậy, các cố vấn của Tổng thống Mỹ bác bỏ những nghi ngại này. Các thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế khẳng định thuế nhập khẩu diện rộng sẽ không gây ra lạm phát, do USD sẽ tăng giá, khiến hàng nhập khẩu rẻ đi. Họ cũng tin, việc giảm thuế và quy định hành chính sẽ giúp GDP Mỹ tăng vọt và thâm hụt co lại.
Chỉ là nghệ thuật “mặc cả”
Thực tế, chiến thắng của ông Trump giúp thị trường tài chính khép lại năm 2024 theo hướng khá tươi sáng, nhưng việc ông trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng với những “ý tưởng mới” vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai.
Hiện đa phần các nhà phân tích lạc quan về năm 2025, khi năm vừa qua kết thúc với nền tảng lạm phát giảm dần về mức mục tiêu, thị trường việc làm khá ổn định, người tiêu dùng Mỹ trụ vững một cách đáng kinh ngạc và tác động lan tỏa tồi tệ hậu đại dịch Covid-19 lắng xuống.
Vậy, có yếu tố nào có thể khiến nền kinh tế Mỹ trật bánh hay không?
Những người đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump tin vào cách tiếp cận mạnh bạo của ông. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế không tin như vậy. Không ít người vẫn băn khoăn về quan điểm chính sách của ông chủ Nhà Trắng. Một trong những điểm gây lo lắng nhất với kinh tế Mỹ hiện tại là thuế nhập khẩu tăng mạnh và phản ứng từ các đối tác thương mại quan trọng. Giới chuyên gia lo ngại, dù Fed có thể đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, thì thuế quan của ông Trump lại có thể “phản lưới nhà”.
JPMorgan Chase ước tính nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2024, phần nhiều nhờ vào sức mạnh của người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ dự kiến vẫn duy trì trong năm 2025. Tuy nhiên, theo Ngân hàng này, “bầu trời quang đãng” của kinh tế Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi một hình thái thời tiết “sương mù bất ổn”.
“Trumponomics 2.0 là con dao hai lưỡi đối với người tiêu dùng Mỹ”, các chuyên gia của Bank of America viết trong một lưu ý. Theo đó, một mặt, chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump sẽ đẩy mạnh tăng trưởng, có khả năng giúp thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch vượt trội hơn so với phần còn lại của thế giới. Mặt khác, “áp thuế quan mạnh tay có thể khơi mào chiến tranh thương mại và làm trầm trọng thêm bức tranh địa chính trị, dẫn đến suy thoái toàn cầu”. Hơn nữa, việc chi tiêu tài khóa vượt mức cùng chính sách bảo hộ và kiểm soát tài chính có thể thúc đẩy lạm phát lên cao và bất ổn toàn cầu gia tăng nghiêm trọng hơn.
Có vẻ như việc thông qua hàng loạt chính sách giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp trong nước, đồng thời tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa nước ngoài, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức cao, giống như “cuộc thử nghiệm” chưa từng có tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu.
Tuy nhiên, bình luận về tình hình hiện tại, trong giới phân tích, một số người đã nói về nghệ thuật “mặc cả” đỉnh cao của tỷ phú Donald Trump. Cách ông ấy tuyên bố các mức thuế cao với các đối tác quan trọng chỉ là cách chiếm vị thế tốt hơn trong đàm phán. Và đến hôm nay, có vẻ ông ấy vẫn đang thành công…
Không phải chờ đợi quá lâu, chỉ ít giờ sau khi Nhà Trắng công bố mức thuế mới sẽ áp lên hàng hóa Mexico, Canada và Trung Quốc, chiều 4/2, cả “hai hàng xóm” đều đã xuống thang, ngồi vào đàm phán để tránh một cuộc chiến thương mại “tương tàn” mà phần thua thiệt có phần nghiêng về phía họ. Cả Mexico và Canada đồng ý áp dụng ngay các bước nhượng bộ, còn ông Trump đồng ý tạm hoãn thực hiện áp thuế trong một tháng.
Tất nhiên, Trumponomics 2.0 sẽ còn đầy thách thức trong bốn năm tới, nhưng vẫn mang lại nhiều kỳ vọng cho những người ủng hộ ông Trump – một nhân vật luôn khó đoán nhưng rất nhiều tham vọng. Liệu ông có thành công hay không? Thời gian sẽ trả lời.