Trục giao thông Đông Tây: Động lực phát triển kinh tế và liên kết vùng ở Hải Dương
Thời gian qua, dấu ấn liên kết vùng tại Hải Dương ngày càng rõ nét, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ. Việc tăng cường hệ thống giao thông Đông - Tây không chỉ kết nối nội tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng khi hợp nhất tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã quy hoạch vùng không gian liên huyện nhằm khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng nơi.
Xác định giao thông là yếu tố then chốt, là huyết mạch liên kết nên thời gian qua, Hải Dương đầu tư mạnh mẽ cho các dự án giao thông. Nhiều dự án đã hoàn thành, đang triển khai và tiếp tục triển khai 4 trục giao thông trọng điểm, đóng vai trò kết nối các vùng trong tỉnh.

Đường Vũ Công Đán (TP. Hải Dương) mở ra kết nối với các vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang. Ảnh: Thành Chung
4 trục giao thông liên vùng mới này gồm 13 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.330 tỷ đồng sẽ là bệ phóng để kinh tế - xã hội của tỉnh cất cánh. Các trục giao thông gồm: đường Vũ Công Đán (TP. Hải Dương) đến thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) kết nối với nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường tỉnh 392; nút giao lập thể với quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên (Kim Thành) nằm trên trục kết nối tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng; quốc lộ 5 ở khu vực cầu Lai Vu đến thị trấn Thanh Hà, qua cầu Hợp Thanh tới nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 5 nối quốc lộ 18 từ TP Hải Dương qua cầu Hàn thuộc huyện Nam Sách đến cầu Tân An ở TP Chí Linh.
Bên cạnh 4 trục giao thông kết nối liên vùng đang khẩn trương đầu tư xây dựng thì các địa phương ở Hải Dương cũng đồng loạt triển khai nhiều dự án giao thông để liên kết với trục chính.
Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối tư đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) đang triển khai là niềm mong chờ, phấn khởi của người dân hai huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ. Dự án có điểm đầu kết nối với nút giao giữa đường trục Đông - Tây với đường tỉnh 391 tại km24+600 thuộc địa phận xã Lạc Phượng dài tuyến chính khoảng 7,6 km. Trong đó đoạn thuộc địa phận huyện Thanh Hà khoảng 3,66 km, đoạn thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ khoảng 3,95 km. Đây cũng là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực, hình thành trục vành đai của tỉnh kết nối các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và Thanh Hà.

Đường trục Đông - Tây dài 36,6 km đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ. Ảnh: Thành Chung
Ngày 19/4 vừa qua, tỉnh Hải Dương tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông – Tây của tỉnh. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới về hạ tầng giao thông của Hải Dương. Tuyến đường dài 36,6 km đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Trục đường này kết nối với nhiều tuyến đường chính như đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường trục Bắc - Nam, các quốc lộ 10, 37, 38B và nhiều tuyến đường tỉnh của Hải Dương, Hưng Yên...
Tại huyện Kim Thành, tuyến đường trục Đông – Tây được xác định là dự án giao thông trọng điểm của giai đoạn 2021 - 2025. Với tổng chiều dài gần 15,74 km và tổng vốn đầu tư hơn 844 tỷ đồng, dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 3,75 km đã hoàn thành vào tháng 6/2024, giai đoạn 2 đang triển khai với chiều dài hơn 7,8 km. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn khu vực phía Tây Bắc tỉnh.
Một loạt dự án khác cũng đang được triển khai để tăng cường kết nối trục Đông - Tây như trục kết nối đường Vũ Công Đán (TP. Hải Dương) đến thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) gồm 4 dự án: Xây dựng đường Vũ Công Đán TP. Hải Dương, xây dựng tuyến nối đường Vũ Công Đán TP. Hải Dương đến cầu Cậy thuộc địa phận huyện Cẩm Giàng; xây dựng cầu Cậy, đường tỉnh 394; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 và tuyến đường dẫn đầu cầu Cậy, huyện Bình Giang.

Công trường thi công Dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài qua địa phận huyện Cẩm Giàng, nối đường Vũ Công Đán (TP. Hải Dương). Ảnh: Hà Kiên
Hiện nay, tại khu vực vị trí điểm đầu và điểm cuối của đường trục Đông - Tây đang triển khai 2 dự án giao thông để tiếp tục khớp nối liên thông. Đó là Dự án Cầu Hải Hưng và đường dẫn kết nối đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 389 huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Trong đó, tỉnh Hải Dương đầu tư đường dẫn dài 180 m, kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Dự án Cầu Hải Hưng qua sông Chanh do tỉnh Hưng Yên đầu tư.
Sau khi các dự án trên hoàn thành sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực, hình thành trục vành đai của tỉnh kết nối các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và Thanh Hà. Đường này kết nối liên thông với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 37, tạo thuận lợi về lưu thông và liên kết các huyện phía Đông Nam tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận.
Cùng với đó, nút giao kết nối đường tỉnh 390 huyện Thanh Hà với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang thi công, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm tải lưu lượng trên các tuyến đường hiện hữu.
Đáng chú ý, Hải Dương đang phối hợp với TP. Hải Phòng nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường trục kết nối trung tâm hành chính hai địa phương có tổng chiều dài khoảng 23,5 km để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là tuyến hành lang giao thông kết nối các khu vực của tỉnh Hải Dương với địa phương phía Tây TP Hải Phòng và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Được biết, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương có tổng chiều dài gần 15.000 km. Trong đó có 230 km đường cao tốc và các tuyến quốc lộ; 496 km của 25 tuyến đường tỉnh; 485 km đường huyện; 303 km đường đô thị; 1.272 km đường xã; hơn 12.035 km đường thôn, ngõ, xóm, nội đồng, lô rừng, ra đồng, ra rừng.
Việc triển khai các dự án giao thông lớn, hiện đại kết nối Hải Phòng - Hải Dương đã và đang trở nên cấp bách, giúp rút ngắn thời gian lưu thông, giao thương hàng hóa thông suốt, mở rộng không gian kinh tế, đô thị.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại phát triển trước đi trước sẽ góp phần mở đường cho kinh tế xã hội của Hải Dương và TP. Hải Phòng được gắn kết chặt chẽ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Hải Dương phát triển, kết nối khi hợp nhất 2 địa phương, định hình không gian phát triển mới.