Đà Nẵng 'giải cứu' đất vàng

Hơn 10 năm qua, hàng nghìn dự án, khu đất 'vàng' tại thành phố Đà Nẵng bị đình trệ, vướng mắc do có nhiều sai phạm được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố Đà Nẵng có thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại thời kỳ trước để phát triển kinh tế - xã hội.

* Dự án vướng sai phạm, đất “vàng” bị bỏ hoang

Sân vận động Chi Lăng bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, do liên quan đến Đại án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Sân vận động Chi Lăng bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, do liên quan đến Đại án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Hơn 10 năm qua, hàng nghìn dự án, khu đất “vàng” tại thành phố Đà Nẵng bị đình trệ, vướng mắc do có nhiều sai phạm được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án...

Từng được mệnh danh là “chảo lửa miền Trung”, sân vận động Chi Lăng trước kia luôn thu hút hàng nghìn người dân đến xem các trận bóng đá của đội bóng Đà Nẵng. Nhưng hơn 10 năm qua, sân vận động Chi Lăng đã dừng hoạt động và trở thành một công trình hoang phế, xuống cấp, nhếch nhác giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Xung quanh sân vận động trở thành nơi đậu đỗ xe, sân mọc đầy cỏ dại, cùng nhiều đống gạch đá ngổn ngang sau khi giải phóng mặt bằng. Bên trong sân vận động, những hàng ghế nhựa mục nát, hệ thống giàn giáo hoen gỉ, những bức tường rong rêu, loang lổ…Nguyên do là từ năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng giao khu đất sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để làm Dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Khu đất “vàng” sân vận động Chi Lăng rộng hơn 55.000 m2, có 4 mặt tiền đường lớn ở trung tâm quận Hải Châu. Đến năm 2011, khu đất đã được Đà Nẵng phân thành nhiều lô đất nhỏ hơn và cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Sau đó, doanh nghiệp mang các giấy chứng nhận này thế chấp, vay vốn tại các ngân hàng.Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt vì nhiều tội danh. Sau đó, khu đất sân vận động Chi Lăng cũng được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án. Nội dung thi hành án yêu cầu thực hiện bán đấu giá tài sản là 10 khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng với tổng số tiền phải thi hành là 4.132 tỷ đồng.Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, việc thi hành án gặp nhiều khó khăn như: khu đất chưa được điều chỉnh quy hoạch phân khu, chưa điều chỉnh thời hạn sử dụng đất kinh doanh thương mại về 50 năm, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, việc phát mãi tài sản cần đảm bảo quyền lợi của các ngân hàng liên quan…Không chỉ sân vận động Chi Lăng, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020, tại thành phố Đà Nẵng có hàng nghìn dự án thuộc diện phải rà soát, xử lý vì liên quan 4 Kết luận của Thanh tra Chính phủ và 3 bản án hình sự phúc thẩm. Từ đó, nhiều khu đất “vàng” bị bỏ hoang, chờ khắc phục kéo dài hàng chục năm như: dự án Khu đô thị Đa Phước 181 ha; dự án Khu đô thị xanh Dragon City Park; dự án Khu số 4 mở rộng - Khu Đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn; dự án Tháp Đà Nẵng; khu đất 58 Bạch Đằng…* Tập trung tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đất đai

Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng (vừa hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2025), chờ thi hành án. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng (vừa hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2025), chờ thi hành án. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Trong quá trình khắc phục các sai phạm trước đây, thành phố Đà Nẵng đã gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, bởi có nhiều vấn đề, nội dung kiến nghị rất phức tạp, tồn tại nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ; chưa có quy định pháp luật và cơ chế, chính sách để xử lý.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, từ năm 2022 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã tích cực vào cuộc, chủ động rà soát, tham mưu Chính phủ trình Trung ương giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc kéo dài. Đồng thời, thành phố cũng chủ động thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền như: truy thu số tiền miễn, giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất của 254 trường hợp; kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng; xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với 8/15 cơ sở nhà đất; thực hiện các thủ tục quy trình thu hồi dự án 181 ha…Đối với khu đất sân vận động Chi Lăng, UBND thành phố Đà Nẵng đã gửi Bộ Xây dựng lấy ý kiến về việc thống nhất đối với hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng, sau khi hoàn thành điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu phức hợp sân vận động Chi Lăng từ “đất thể dục thể thao” thành “đất kinh doanh thương mại”, thành phố sẽ điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thành 50 năm và hoàn thành giải phóng mặt bằng.Sau khi tháo gỡ hết các vướng mắc, thành phố sẽ tổ chức bán đấu giá nguyên khối toàn bộ Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng, rồi mới phân chia tỷ lệ theo giá trị tài sản đảm bảo tại các ngân hàng. Người mua trúng đấu giá tài sản có nghĩa vụ phải nộp tiền sử dụng đất còn thiếu (do UBND thành phố Đà Nẵng đã thu thấp hơn giá đất của bảng giá đất tại thời điểm giao đất)…Sau những nỗ lực, kiên trì đề xuất tháo gỡ của Đà Nẵng, ngày 2/5/2024, Bộ Chính trị có Kết luận số 77-KL/TW về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”.Ngày 1/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, những cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên sẽ là động lực quan trọng, giúp nền kinh tế thành phố khơi thông nguồn lực đất đai, phấn đấu tăng trưởng hai con số năm 2025.Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhất quán, quyết liệt các cơ chế, chính sách tháo gỡ của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ 2025-2030. Trong thời gian tới, Đà Nẵng được Trung ương cho cơ chế tháo gỡ, giải quyết đối với hơn 1.300 dự án liên quan, nên số lượng công việc, số chủ đầu tư và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rất lớn. Trong quá trình triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các cấp chính quyền thành phố cần đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm.../.Bài 4: "Khung đỡ" ngăn hoang phí đất đai

Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-nang-giai-cuu-dat-vang/374004.html
Zalo