Trù phú Lục Ngạn
Thật vui mừng khi Lễ công bố địa giới hành chính mới chia tách huyện Lục Ngạn (cũ) thành TX Chũ và huyện Lục Ngạn mới kể từ ngày 1/1/2025, huyện Lục Ngạn - địa danh bao thân thương, gần gũi ấy nay đứng trước những cơ hội mới vươn lên giàu mạnh.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ cuộc tọa đàm cách đây 8 năm tại Văn phòng Huyện ủy Lục Ngạn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm thanh lập huyện Lục Ngạn do Huyện ủy Lục Ngạn tổ chức. Trước đó, các ông: La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Lê Xuân Thắng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Vi Quảng Nghiêm, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Lục Ngạn đã có buổi làm việc với Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) để xác định rõ sự ra đời và thời điểm hình thành tên gọi Lục Ngạn. Qua đó xác định ngày tổ chức lễ kỷ niệm bao nhiêu năm thành lập huyện Lục Ngạn.

Một góc thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn).
Dựa trên cứ liệu của các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, khẳng định: Tên huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang ngày nay trong các bộ sử Việt Nam đều được ghi bằng chữ Hán: Lục Ngạn. Vậy Lục Ngạn có nghĩa là gì? Lục là chỉ vùng đất (như lục địa, lục quân…), Ngạn có nhiều nghĩa, nhưng ở đây có nghĩa là bờ sông (hữu ngạn bên phải; tả ngạn bên trái). Vậy Lục Ngạn có nghĩa là vùng đất cao bên bờ sông, sông Lục Nam (Minh Đức giang).
Sự hình thành và ra đời của huyện Lục Ngạn có thể tóm tắt như sau: Lục Ngạn trước đây bao gồm cả huyện Lục Nam, năm 1957 được chia tách thành hai huyện. Lục Ngạn trong sách "Đại Nam nhất thống chí" nói rõ về địa giới và thay đổi của huyện Lục Ngạn vào thế kỷ XIX, được mô tả: “Huyện Lục Ngạn từ thời Trần về trước gọi là Na Ngạn. Thời thuộc Minh chia làm hai huyện Na Ngạn và Lục Na, sau đó sáp nhập thành huyện Lục Na. Năm Quang Thuận đời Lê đổi tên thành Lục Ngạn. Triều Nguyễn, theo từ trước lãnh 7 tổng, 51 xã, thôn”... Vậy đơn vị hành chính huyện Lục Ngạn ra đời từ khi nào? Như ở trên, sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng: “Năm Quang Thuận (1460-1469) đã đổi tên Lục Na thành Lục Ngạn”.
“Tháng 4 năm Quang Thuận thứ 10 (1469): Quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên: Thanh Hóa 4 phủ, 16 huyện, 4 châu. Kinh Bắc 4 phủ, 16 huyện… Kinh Bắc có 4 phủ là: Từ Sơn, Thuận An, Bắc Hà và Lạng Giang. Phủ Lạng Giang quản lĩnh 6 huyện: Phượng Nhãn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế và Lục Ngạn”. Sách Địa chí Bắc Giang - Địa lý và kinh tế (năm 2005 và nhiều nhà nghiên cứu sử học đã nhất trí với thời gian hình thành và phát triển của huyện Lục Ngạn là tháng 6 âm lịch năm 1466, thời Lê Thánh Tông (trích báo cáo kết quả Hội thảo xác định mốc thời gian và hình thành, phát triển huyện Lục Ngạn, ngày 5/7/2016).
Như vậy, sau biến cố lịch sử, qua các triều đại và cho đến nay, Lục Ngạn - địa danh hành chính và tên huyện vẫn nguyên giá trị và từ ngày 1/1/2025 tiếp tục được ghi nhận trên bản đồ hành chính của tỉnh Bắc Giang. Thực hiện Nghị quyết số 1191, ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025, trong đó có việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập TX Chũ và huyện Lục Ngạn. Sau khi sắp xếp, TX Chũ và huyện Lục Ngạn chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của vùng đất này.
Huyện Lục Ngạn mới có diện tích tự nhiên gần 857 km2, quy mô dân số hơn 126,6 nghìn người, vị trí giáp ranh với các huyện Lục Nam, Sơn Động, TX Chũ và tỉnh Lạng Sơn. Huyện có 19 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 thị trấn và 17 xã. Phần hình thành huyện Lục Ngạn mới đều thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Về tương lai của sự phát triển sau chia tách, đây là chặng đường mới để Lục Ngạn tiếp bước đi lên từ phát huy tiềm năng, nội lực vốn có của mình, đó là sự tiếp nối truyền thống văn hóa, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn” và “văn hóa là sự còn lại khi người ta đã quên tất cả…”. Vậy sau khi chia tách, Lục Ngạn còn lại những gì? Thế mạnh gì? Trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả các xã, thị trấn đạt được những năm qua, huyện Lục Ngạn tập trung cao cho công tác quy hoạch, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện đặt mục tiêu phát triển theo hướng kinh tế xanh, sản xuất nông - lâm nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Người dân đi chợ tình Thác Lười. Ảnh: Việt Hưng.
Huyện Lục Ngạn vẫn còn đó những trang sử và địa danh lịch sử, đó là: Ải Sa Lý, chiến tuyến chống giặc ngoại xâm thời Trần chống quân Nguyên Mông; có những anh hùng áo vải: Vũ Thành, Vi Hùng Thắng… Vẫn còn đó 3/5 xã (của huyện Lục Ngạn cũ) là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Cấm Sơn, những chiến sĩ du kích Ba Hòn với ý chí vượt muôn vàn khó khăn được mô tả trong bài "Lên Cấm Sơn" của nhà thơ Thôi Hữu: Có khi gạo hết tiền vơi/ ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng/ Những đêm gió bắc lạnh lùng/ áo quần rách nát lá dùng che thân… Vẫn còn đó một Sơn Hải, dao quắm bắt giặc lái Mỹ, là xã bắt nhiều giặc lái Mỹ nhất ở miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen. Vẫn còn đó một Tân Mộc, là chiến khu Hồng Quảng trong kháng chiến chống Pháp và trung đội dân quân dùng súng trường bắn rơi “thần sấm” Mỹ.
Vẫn còn đó các di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa Biển Động, Lim (Giáp Sơn), đình Cống Luộc (Đèo Gia); đình, đền, chùa Hạ Long (xã Giáp Sơn)… nơi ghi dấu là kho lương để quân dân Lục Ngạn chống giặc. Một địa chỉ văn hóa được dựng Bia ghi dấu “Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ II năm 1952" tại đình Sàng Bến (xã Tân Quang).
Vẫn còn đó hội hát dân ca các dân tộc: Hội chợ Thác Lười (Tân Sơn, ngày 12 tháng Giêng); Hội hát dân ca các dân tộc xã Phong Vân (14 tháng Giêng); Hội hát dân ca các dân tộc như hội hát Sloong hao ở xã Tân Hoa (ngày 7 tháng Giêng), Kim Sơn, Biển Động, Biên Sơn, Giáp Sơn (ngày 9 tháng Giêng)... Vẫn còn đó, những đội nghệ thuật quần chúng của các làng văn hóa nổi tiếng như: Hạ Long, Trại Mới, Lim (xã Giáp Sơn); thôn Áp, Sàng Bến (xã Tân Quang); các câu lạc bộ thơ ca, dân ca, dân vũ đàn tính, hát then của các xã, thị trấn: Sơn Hải, Phong Vân, Giáp Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc, Tân Quang, Tân Hoa, Biển Động...
Về điểm tựa trước mắt cho phát triển kinh tế là bạt ngàn rừng keo, bạch đàn, những đàn dê, ngựa ở các xã Phong Vân, Phong Minh, Hộ Đáp, Tân Sơn, Sa Lý… Và vào mùa thu hái, “dòng sông đỏ” vải thiều vẫn chảy tràn trên những “thung lũng xanh”, nơi bắt nguồn cho dòng sông ấy là miên man đồi vải thiều, vùng quả ngọt mang thương hiệu “vải thiều Lục Ngạn”. Lại nữa, thiên nhiên ưu ái cho vải thiều các xã vùng cao: Hộ Đáp, Tân Sơn, Sơn Hải, Phong Vân, Cấm Sơn… chín muộn hơn, sản lượng và giá cả cao hơn, thu hoạch thuận lợi hơn.
Còn đây, danh tiếng “gạo nếp Phì Điền” hương tỏa gần xa; cánh đồng Biển bao la, chiêm mùa hai vụ; cánh đồng Muối rau củ quả bốn mùa. Rồi khu du lịch hồ Cấm Sơn nguồn lợi thủy sản từ nuôi cá lồng, du lịch lòng hồ cùng các điểm du lịch sinh thái vườn rừng, du lịch về nguồn...
* * *
Dẫu vậy, trước bao bộn bề của sau chia tách, thành lập huyện mới, Lục Ngạn cần nỗ lực để kịp thời ổn định bộ máy hoạt động bình thường; bên cạnh đó là bao thách thức phải vượt qua. Trong chặng đường mới, với truyền thống của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, con người giàu nghĩa tình cùng ý chí và nghị lực vượt khó, huyện Lục Ngạn sẽ vươn lên đạt những thành tựu mới. Kế thừa lớp người đi trước, lớp trẻ Lục Ngạn hôm nay có trí tuệ, giàu bản lĩnh và năng động; với tình yêu quê hương tha thiết, họ không chỉ biết biến những vạt đồi sỏi đá khô cằn thành vùng đất hoa thơm, trái ngọt mà còn hát hay, đàn giỏi. Với tiềm năng, thế mạnh vốn có, mảnh đất Lục Ngạn đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tô đẹp bức tranh quê hương Anh hùng ngày càng khởi sắc.