Trọng tâm là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao… Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng '0'.

Đó là chia sẻ của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức trước thềm Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tổ chức sáng mai, ngày 24.9.2024.

Đi đầu phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao

- Thưa ông, được biết ngày 3.7.2024, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết khái quát về mục tiêu phát triển của tỉnh Đồng Nai theo quy hoạch?

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức. Ảnh: Khắc Giới

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức. Ảnh: Khắc Giới

- Theo đồ án quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3.7.2024, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.

 Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Ảnh: Văn Dũng

Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Ảnh: Văn Dũng

Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

- Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, một điểm dễ nhận thấy là Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, mô hình tổ chức sản xuất, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải trung tính net-zero.... Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Như đã thấy, những năm gần đây Đồng Nai đã tích cực trong công tác phát triển kinh tế xanh thông qua việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao với các cấu phần chính gồm: các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái; dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trung tâm nghiên cứu phát triển, công viên khoa học; trung tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo địa bàn, định hướng phát triển nhóm ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội

- Là địa bàn có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, Đồng Nai được ví như “thỏi nam châm”, điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xin ông cho biết những kết quả nổi bật cũng như định hướng, quan điểm chính trong thu hút vốn đầu tư của tỉnh để bảo đảm sự phát triển bền vững?

- Hiện nay, tỉnh Đồng Nai quy hoạch 39 khu công nghiệp, trong đó có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.514ha; đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.667 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 34,84 tỷ USD. Theo đồ án quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động, phù hợp với diện tích được phân bổ theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Đồng Nai với trọng tâm thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo ...

 Đồng Nai xúc tiến thương mại tại Nhật Bản. Ảnh: Khắc Giới

Đồng Nai xúc tiến thương mại tại Nhật Bản. Ảnh: Khắc Giới

Về thu hút đầu tư, tỉnh định hướng phát triển 5 ngành công nghiệp chủ lực, cụ thể là: ngành chế tạo máy và cơ khí chính xác, đây là ngành kỹ thuật nền tảng cho các hoạt động kinh tế xã hội; ngành công nghiệp điện – điện tử, cũng ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác; ngành sản xuất phương tiện vận tải; ngành hóa chất và ngành sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, tỉnh còn hướng đến những ngành công nghiệp tiềm năng như: sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu và sản xuất thiết bị y tế sử dụng trong quy trình khám, chữa bệnh. Tuy nhóm ngành này hiện nay có mức đóng góp GRDP khiêm tốn nhưng có rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai bởi có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ ở mức cao.

- Xin ông cho biết những giải pháp trọng tâm tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI có quy mô tầm cỡ theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới?

- Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo mọi thuận lợi cũng như sớm tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư. Để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI có quy mô tầm cỡ, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh vượt trội, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như: quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung các chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và thân thiện với môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường…

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Về các nhiệm vụ đột phá phát triển, tỉnh Đồng Nai sẽ khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Cùng với đó, hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).

Xây dựng các Khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các Khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ. Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển: các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai.

BẢO PHƯƠNG thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trong-tam-la-kinh-te-xanh-kinh-te-tuan-hoan-post391129.html
Zalo