Trọng tâm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang chuẩn bị cắt giảm thuế nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ vào Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: ANI/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: ANI/TTXVN

Việc này nhằm tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với Washington, theo các quan chức chính phủ Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến thăm Mỹ từ 12-14/2, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp thuế trả đũa lên nhiều quốc gia nhằm định hình lại quan hệ thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Washington.

Mặc dù chưa công bố danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng ông Trump trước đó đã gọi Ấn Độ là một nước lạm dụng thương mại và nhấn mạnh rằng New Delhi cần mua thêm thiết bị an ninh do Mỹ sản xuất để hướng tới một mối quan hệ thương mại cân bằng.

Theo ba quan chức chính phủ giấu tên, Ấn Độ đang xem xét cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ít nhất 10 lĩnh vực, bao gồm thiết bị điện tử, y tế, phẫu thuật cùng một số loại hóa chất, nhằm tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Những nhượng bộ này phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất trong nước của New Delhi.

Các quan chức này tiết lộ rằng các mặt hàng có thể được giảm thuế bao gồm ăng-ten chảo vệ tinh và bột gỗ, những sản phẩm mà Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ hoặc có tiềm năng mua nhiều hơn.

Ngoài ra, trong cuộc gặp với ông Trump, Thủ tướng Modi cũng sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận thương mại nhỏ, mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng hơn.

Một quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng New Delhi muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Washington, giống như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Trước đó, ông Trump đã áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế lên năng lượng Mỹ. Viễn cảnh này khiến Ấn Độ lo ngại về một cuộc chiến thuế quan leo thang có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này.

Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Các cuộc đàm phán về nhượng bộ thuế quan diễn ra sau khi Ấn Độ giảm mức thuế nhập khẩu trung bình từ 13% xuống 11% đối với một số mặt hàng trong ngân sách thường niên.

Bên cạnh đó, nước này cũng cắt giảm thuế đối với xe máy phân khối lớn và xe hơi hạng sang, đồng thời đánh giá lại các khoản phụ phí áp dụng với hơn 30 mặt hàng, bao gồm ôtô hạng sang và pin năng lượng mặt trời.

Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Ấn Độ và Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại, hợp tác quốc phòng và công nghệ. Tuy nhiên, chương trình nghị sự này đang bị ảnh hưởng bởi vụ trục xuất người Ấn Độ khỏi Mỹ gần đây.

Một quan chức chính phủ nhận định rằng cuộc gặp lần này sẽ đưa ra định hướng chính trị cho quan hệ song phương, trong khi các cuộc đàm phán chi tiết về thuế quan có thể sẽ tiếp tục sau chuyến thăm.

Dù từng chỉ trích chính sách thương mại của Ấn Độ, nhưng ông Trump cũng không tiếc lời ca ngợi Modi là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 118 tỷ USD trong năm tài khóa 2023-2024, trong đó Ấn Độ xuất siêu 32 tỷ USD.

Trong suốt thập kỷ qua, quan hệ thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng ổn định, khi Washington ngày càng coi New Delhi là một đối trọng với ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Reuters/straitstimes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trong-tam-chuyen-tham-my-cua-thu-tuong-an-do-modi-20250210102242798.htm
Zalo