Quyết định không kích đầu tiên của ông Trump gây kinh ngạc

Việc Somalia trở thành mục tiêu cho chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của Mỹ dưới thời chính quyền mới khiến nhiều người nước này ngạc nhiên bởi họ đã lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ rơi.

 Cuộc không kích IS tại Somalia được cho là nhằm làm nổi bật lên hình ảnh mạnh mẽ của ông Trump trong với tư cách một tổng tư lệnh bảo vệ đất nước khỏi những kẻ khủng bố trong những ngày đầu của chính quyền của ông.

Cuộc không kích IS tại Somalia được cho là nhằm làm nổi bật lên hình ảnh mạnh mẽ của ông Trump trong với tư cách một tổng tư lệnh bảo vệ đất nước khỏi những kẻ khủng bố trong những ngày đầu của chính quyền của ông.

Việc truy tìm và chiến đấu với các phần tử của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở châu Phi đang trở nên khó khăn vì lực lượng này đang tìm cách ẩn náu sâu trong những ngọn núi ở đông bắc Somalia.

Thế nhưng, theo phong cách điển hình của ông Donald Trump, sau khi tân tổng thống Mỹ ra lệnh không kích khu vực này vào cuối tuần trước, ông đã đăng trên mạng xã hội: "CHÚNG TÔI SẼ TÌM THẤY CÁC NGƯỜI VÀ CHÚNG TÔI SẼ TIÊU DIỆT CÁC NGƯỜI!".

Ông Trump cho biết cuộc tấn công, diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi ông nhậm chức, đã nhắm vào nhân vật cấp cao chuyên chịu trách nhiệm lập kế hoạch tấn công của IS và các chiến binh khác ở khu vực bán tự trị Puntland của Somalia, và đã "phá hủy các hang động mà chúng sinh sống và tiêu diệt nhiều tên khủng bố mà không gây tổn hại tới dân thường".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tranh thủ thể hiện sự "tự tin" rằng mình đã thành công trong khi cựu Tổng thống Joe Biden không làm được như vậy. "Biden và những người thân cận của ông ấy đã không hành động đủ nhanh để hoàn thành công việc. Tôi đã làm được!", ông nhấn mạnh.

Ngạc nhiên

Thực tế việc Somalia trở thành mục tiêu cho chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của Mỹ dưới thời chính quyền mới đã khiến nhiều người nước này ngạc nhiên bởi họ đã lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ rơi.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã rút khoảng 700 quân nhân Mỹ khỏi Somalia, một quyết định về sau bị người kế nhiệm ông đảo ngược.

Thỏa thuận trị giá 600.000 USD một năm được chính phủ Somalia ký kết gần đây với công ty vận động hành lang hàng đầu của Washington, BGR Group, là một dấu hiệu cho thấy mức độ lo ngại của chính phủ này.

Dưới thời Biden, quân đội Mỹ ở Somalia đã thực hiện các hoạt động đặc biệt, huấn luyện lực lượng tinh nhuệ của Somalia và tiến hành các cuộc không kích thường xuyên.

 Dãy núi Golis là nơi IS ẩn náu và lực lượng an ninh Puntland đang nỗ lực truy quét tại đây. Ảnh: @PuntlandSSR.

Dãy núi Golis là nơi IS ẩn náu và lực lượng an ninh Puntland đang nỗ lực truy quét tại đây. Ảnh: @PuntlandSSR.

Một ngày trước cuộc không kích, tờ Washington Post đã đăng một cuộc phỏng vấn với Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud, trong đó ông khẩn cầu Mỹ "không rút các cố vấn và chuyên gia tư vấn người Mỹ đang hỗ trợ huấn luyện lực lượng đặc biệt của chúng tôi".

Một bài đăng trên X từ văn phòng của ông Mohamud sau cuộc không kích cũng thể hiện sự khẩn thiết đó, công nhận "sự ủng hộ không ngừng nghỉ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế" và hoan nghênh "cam kết liên tục dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Donald Trump".

Tuy nhiên, các cuộc không kích khác với quân đội trên bộ và ông Trump cũng chỉ duy trì các cuộc không kích trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trên thực tế, ông đã tăng các cuộc không lên gần 400.

Chuyện gì đang xảy ra?

"Cuộc tấn công không có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ tăng cường tham gia quân sự ở Somalia", Matt Bryden, cố vấn chiến lược của Sahan Research có trụ sở tại Nairobi, nhận định.

"Nhiều quan chức Mỹ dự kiến đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo về các vấn đề châu Phi không còn coi chính phủ liên bang Somalia là đối tác đáng tin cậy và chỉ trích gay gắt mức độ hỗ trợ an ninh cao được cung cấp trong những năm gần đây nhưng lại không mang lại hiệu quả đáng kể", ông Bryden chỉ rõ.

Puntland đang đẩy mạnh chống IS

Cách tiếp cận chống khủng bố của Puntland khác với cách tiếp cận của chính phủ Somalia - vốn đã bị vùng lãnh thổ này đã cắt đứt quan hệ vào tháng 3/2024. Chính quyền Puntland đã tự chủ hơn và không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của lực lượng Liên minh châu Phi - trong đó có khoảng 12.000 quân trên bộ - và các cường quốc toàn cầu bao gồm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mohamed Mubarak, người đứng đầu văn phòng điều phối an ninh của Puntland, chỉ ra rằng chính lực lượng quân sự từ phía đông bắc đã chiến đấu với IS trong nhiều năm mà không nhận được nhiều sự giúp đỡ hoặc lời cảm ơn từ các bên khác.

"Thật không công bằng khi đưa cuộc không kích vào vị trí trung tâm trong khi chúng tôi đã chiến đấu và hy sinh trên bộ", ông Mubarak nói.

"Bất kể phần còn lại của thế giới đang làm gì, chúng tôi vẫn đang chiến đấu với IS, đây là một vấn đề quốc tế", ông nói.

"Chúng tôi không thấy nhiều sự hỗ trợ ngoại trừ từ Kenya, Ethiopia và UAE. Chúng tôi không biết liệu người Mỹ có thực hiện nhiều hơn một cuộc không kích hay không".

Puntland cho biết lực lượng của họ đã chiếm được 48 hang động và tiền đồn của IS - phá hủy hàng chục máy bay không người lái và thiết bị nổ - kể từ khi phát động cuộc tấn công "hilaac" hay "tia chớp" toàn diện vào năm ngoái.

Mặc dù IS đã hoạt động ở Somalia trong khoảng một thập kỷ nhưng mối đe dọa từ nhóm này ít hơn nhiều so với nhóm al-Shabab, nhóm kiểm soát nhiều vùng rộng lớn của đất nước và được mô tả là chi nhánh lớn mạnh nhất của al-Qaeda.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, IS đã bùng nổ hơn - ở cấp địa phương, khu vực và quốc tế. Chính quyền ở Puntland và các quan chức Mỹ giấu tên cho biết thủ lĩnh IS-Somalia, Abdulqadir Mumin thường thấy với cặp kính đặc trưng, có bộ râu màu cam, hiện là thủ lĩnh toàn cầu của IS.

Các báo cáo ban đầu cho thấy nhân vật này đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ vào tháng 5/2024 nhưng thông tin này chưa bao giờ được xác nhận.

 Puntland đã đào tạo một lực lượng tinh nhuệ để truy đuổi các chiến binh IS. Ảnh: Reuters.

Puntland đã đào tạo một lực lượng tinh nhuệ để truy đuổi các chiến binh IS. Ảnh: Reuters.

Cho dù Mumin có phải là thủ lĩnh tối cao của IS và còn sống hay đã chết, IS-Somalia vẫn ngày càng trở nên đáng lo ngại đối với các quốc gia nước ngoài. Như ông Trump đã nói: "Những kẻ giết người này, những kẻ mà chúng tôi phát hiện đang ẩn náu trong các hang động, đã đe dọa Mỹ và các đồng minh của chúng tôi".

IS đang làm gì ở Somalia?

Theo nhận định của bà Tricia Bacon, giám đốc trung tâm chính sách chống khủng bố tại Đại học Mỹ ở Washington DC, "IS-Somalia đã có vị trí lớn hơn trong mạng lưới Nhà nước Hồi giáo, đặc biệt là ở châu Phi và cũng vượt ra ngoài lục địa này".

Trong bối cảnh các chi nhánh của IS hoạt động trên khắp lục địa, từ Mozambique đến Mali, từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Nigeria, IS-Somalia đóng vai trò là trung tâm đầu não quan trọng.

Chuyên gia Bacon cảnh báo rằng IS-Somalia cũng đang hướng ra ngoài châu Phi. "Nhóm này được định vị kiến tạo điều kiện và góp phần vào các cuộc tấn công của IS ở phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Họ cũng tìm cách kích động các cuộc tấn công ở phương Tây", bà nêu rõ. "Các đối tác quốc tế nên hỗ trợ nhiều hơn cho những nỗ lực đang diễn ra của Puntland chống lại nhóm này".

Hiện chưa rõ liệu Abdulqadir Mumin, thủ lĩnh có tầm ảnh hưởng lớn của IS-Somalia, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào năm ngoái hay đang lãnh đạo IS trên toàn cầu. Ảnh: al-kataib, X.

Hiện chưa rõ liệu Abdulqadir Mumin, thủ lĩnh có tầm ảnh hưởng lớn của IS-Somalia, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào năm ngoái hay đang lãnh đạo IS trên toàn cầu. Ảnh: al-kataib, X.

Ông Bryden cảnh báo sự liên kế của nhóm này với phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn trên Biển Đỏ ở Yemen cũng là một vấn đề.

"Giống như al-Shabab, IS-Somalia đã nhận được vũ khí và huấn luyện từ Houthis ở Yemen, đây là nguồn lo ngại cho chính phủ Mỹ và các đồng minh", ông nói.

 Lực lượng an ninh ở Somalia hy vọng cuộc không kích của chính quyền Trump sẽ không dừng lại là một lần duy nhất. Ảnh: @USAfricaCommand.

Lực lượng an ninh ở Somalia hy vọng cuộc không kích của chính quyền Trump sẽ không dừng lại là một lần duy nhất. Ảnh: @USAfricaCommand.

Ngày càng có nhiều chiến binh nước ngoài tham gia nhóm này, khiến sức mạnh của nhóm tăng cường cả về số lượng và chuyên môn. Một nguồn tuyển quân của IS-Somalia được cho là đến từ những người di cư Ethiopia, tập trung tại thành phố cảng Bosaso của Puntland với hy vọng vượt biển đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài.

IS trả cho họ mức thù lao cao hơn so với mức kiếm được ở các quốc gia vùng Vịnh và các chuyên gia cho biết một số chỉ huy cấp cao của nhóm là người Ethiopia.

"Chúng tôi đánh giá rằng IS-Somalia có 80% hoặc nhiều hơn các chiến binh nước ngoài, chủ yếu đến từ Bắc Phi, Ethiopia, Tanzania và Trung Đông, theo thứ tự đó", ông Mubarak nói.

Ông ước tính nhóm này có khoảng 1.000 thành viên; các giám sát viên của Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 600 đến 700 thành viên.

Vào tháng 10/2024, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, Michael Langley, cho biết ông cho rằng IS đã phát triển ở miền Bắc Somalia khoảng "gấp đôi" trong một năm. Nhóm này đã thực hiện một trong những cuộc tấn công tinh vi nhất từ trước đến nay vào tháng 12/2024, nhằm vào một căn cứ quân sự ở khu vực Bari của Puntland.

IS-Somalia đưa ra một tuyên bố cho biết không có một người Somalia nào tham gia. 12 người tham gia tấn công đến từ 7 quốc gia - Tanzania, Algeria, Morocco, Libya, Tunisia, Yemen và Ethiopia.

Nhóm này cũng đang kiếm tiền hiệu quả hơn.

Các chuyên gia Mỹ, Liên Hợp Quốc và Somalia cho biết một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng tài chính của IS - văn phòng al-Karrar - có trụ sở tại Puntland, giải ngân tiền cho các chi nhánh khác của nhóm ở châu Phi và hơn thế nữa.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cho biết IS-Somalia đã thu về gần 2 triệu USD trong nửa đầu năm 2022 bằng cách đánh thuế các doanh nghiệp địa phương, hàng nhập khẩu, dân du mục và nông dân.

Nếu lực lượng Puntland muốn thành công trong việc đẩy lùi IS, sự hỗ trợ trên không sẽ góp phần rất lớn. Ngay sau cuộc không kích gần nhất của Mỹ, cảnh sát Puntland cho biết thủ lĩnh đội ám sát của IS-Somalia, Abdirahman Shirwa Aw-Said, đã đầu hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng các cuộc không kích như vậy sẽ cần sự nhất quán để truy lùng các nhóm IS hiện diện ở Somalia và ngăn chặn các nhóm khác bùng nổ. Không rõ liệu Mỹ và nhà lãnh đạo khó lường của nước này có muốn tiếp tục không kích dãy núi phía đông bắc của Somalia hay không.

 Bản đồ: BBC.

Bản đồ: BBC.

Dương Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/quyet-dinh-khong-kich-dau-tien-cua-ong-trump-gay-kinh-ngac-post1530124.html
Zalo