Trồng sâm trên đỉnh mây ngàn
Pa Cheo (Bát Xát) là một trong những xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Thời gian gần đây, với khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, một số hộ người Mông ở Pa Cheo đã mạnh dạn thử nghiệm trồng dược liệu quý như sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa để nâng cao thu nhập. Xã Pa Cheo đã thoát khỏi '3 không', đang bước vào ngày mới đầy hy vọng.

Ngôi nhà gỗ nhỏ đơn sơ của anh Cứ A Sà ở thôn Séo Pa Cheo, nơi có độ cao khoảng 1.500 - 1.600 m so với mực nước biển. Khi mặt trời chiếu nắng vàng xuống vùng đất này xua tan sương mù, làm tiết trời ấm dần lên, trong khu vườn nhỏ sau nhà, anh Sà bận rộn với việc chăm sóc những mầm cây mới nhú lên trên lớp thảm mục.

Ít người biết rằng khu vườn nhỏ chỉ khoảng 100 m2 lại là một “kho báu” đối với gia đình anh Sà. Nơi đây có hàng trăm củ tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến mà anh đã vất vả lặn lội nhiều năm lên núi tìm mang về nhân giống trong vườn. Sau giấc ngủ đông dài, khi mùa xuân đến, những củ tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa dưới tầng đất mục đã “thức giấc”, lớp vỏ xù xì nứt ra, đâm lên những mầm non mập mạp. Chỉ mấy hôm nữa, cả khu vườn sẽ non xanh mơn mởn, nhìn rõ từng loài cây quý.
Vạch lớp đất mùn, chỉ cho chúng tôi thấy từng củ tam thất hoang trông như con rết lớn bò ngoằn ngoèo dưới đất, anh Sà bảo mỗi năm cây tam thất hoang chỉ mọc thêm được một đốt. Vì thế, củ tam thất có bao nhiêu đốt nghĩa là được bấy nhiêu tuổi. Nhìn củ sâm rêu mốc vậy thôi nhưng đây là loại dược liệu quý hiếm, mỗi củ có giá từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/100 gam, củ càng già, càng to, nhiều đốt, càng có giá trị. Người Mông gọi tam thất hoang là San phì. Từ lâu, bà con đã dùng củ này làm vị thuốc quý. Khi trong nhà có trẻ con bị bệnh, ốm yếu, người Mông dùng lá và củ nấu canh gà cho ăn để nhanh lại sức, khỏe mạnh. Khi người già, trẻ nhỏ bị ho, bà con cũng dùng củ giã nhỏ hấp với trứng gà ăn sẽ nhanh khỏi bệnh. Còn đối với củ thất diệp nhất chi hoa (còn gọi là củ rắn cắn, cây 7 lá 1 hoa) cũng là loại thuốc quý được bà con dùng để chữa rắn cắn rất hiệu nghiệm.

Biết tam thất hoang, 7 lá 1 hoa là những dược liệu quý nên từ nhiều năm qua, anh Sà đã bỏ rất nhiều công sức lên núi cao để tìm về nhân giống. “Hai loại cây này chỉ mọc trong những khu rừng già ẩm ướt, có độ cao từ 1.500 - 1.800 m so với mực nước biển nên đi tìm rất vất vả. Có những chuyến, tôi vào rừng tìm cây thuốc, phải trèo qua những vách đá, vực sâu, đường trơn trượt khó đi. Trong rừng lại ẩm ướt, nhiều muỗi, vắt, rắn xanh. Thời gian qua, nhiều người biết cây tam thất hoang, 7 lá 1 hoa có giá trị nên cũng vào rừng tìm để mang bán, khiến loài cây này càng trở nên khan hiếm. Thật may, trong nhiều năm qua, tôi đã nhân giống trong vườn nên đến nay vẫn giữ được loài cây quý”.

Khi được hỏi về việc bán những củ tam thất hoang quý giá, anh Sà bảo năm trước bán 1 kg thu được hơn 40 triệu đồng. Những củ tam thất hoang từ 4 - 5 năm tuổi có giá cao hơn, nên anh không bán non, mà chăm sóc khi củ đủ tuổi và được giá mới bán cho các đại gia dưới thành phố mua về dùng. Vào tháng 8, tháng 9 hằng năm, cây tam thất hoang và cây 7 lá 1 hoa ra hoa, đậu quả, anh Sà lấy hạt để gieo ươm, nhân giống thêm hàng trăm cây con trồng ra khắp vườn.

Đến xã Pa Cheo lần này, câu chuyện về một số hộ người Mông ở Pa Cheo lên núi “săn” cây dược liệu quý và đem về trồng, bảo tồn, nhân giống cứ cuốn hút chúng tôi. Khi tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không chỉ bảo tồn, nhân giống một số loài cây quý như tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa, mà một số hộ dân còn mạnh dạn mua những giống sâm quý về trồng thử nghiệm khoảng 2 năm trở lại đây, mở ra hướng đi mới để bà con làm giàu.

Từ thôn Séo Pa Cheo, muốn đến được thôn cao nhất, xa nhất xã là Bản Giàng phải đi tiếp khoảng 10 km nữa. Từ thôn Bản Giàng, muốn đến được vườn trồng sâm quý trên đỉnh núi Bản Giàng lại phải leo núi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vào ngày trời mưa thì không thể lên núi vì đường chênh vênh, trơn trượt, rất nguy hiểm. Trên đỉnh núi ấy, từ 2 năm nay có 1 người ngày ngày “ăn gió, nằm sương” để trồng thử nghiệm những loài sâm quý. Đó không phải là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, mà là nông dân người Mông tên là Sùng A Hù.

Nhiều năm trước, tôi cũng như một số người Mông ở đây lên rừng săn tìm củ tam thất hoang, củ rắn cắn để mang đi bán ở chợ phiên. Nhận thấy đó là những cây dược liệu quý nên tôi cũng trồng và nhân giống thử. Về sau, khi quen được với một số người mua sâm dưới miền xuôi, được họ động viên nên tôi quyết tâm tìm hiểu để trồng thử nghiệm một số loại sâm trên núi Bản Giàng.
Anh Sùng A Hù, thôn Séo Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát
Từ năm 2022, anh Sùng A Hù đã sang tỉnh Lai Châu tìm hiểu cách trồng cây sâm Lai Châu (còn gọi là tam thất đỏ). Năm 2023, anh mạnh dạn mua 200 cây sâm Lai Châu 2 năm tuổi về trồng thử. Khi biết đến sâm Ngọc Linh là loài sâm quý nhất của Việt Nam, anh lại lặn lội vào tận Quảng Nam để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và mua 50 cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi về trồng. Ngoài ra, anh Hù còn tự nhân giống và trồng khoảng 500 cây tam thất hoang từ 1 đến 5 năm tuổi.

“Chăm cây sâm không hề đơn giản, tôi mua lưới về che mưa, nắng và đảm bảo cho cây đủ đất mùn, độ ẩm để phát triển nhưng nếu đất ẩm quá, củ sâm sẽ bị thối. Ngoài ra, tôi không cho ai vào vườn để đảm bảo cây không bị nhiễm các loại vi khuẩn, nấm bệnh. Trong số 200 cây sâm mua từ Lai Châu về trồng, hiện nay chỉ còn lại 50 cây, 150 cây bị sạt lở đất vùi lấp hết. Thật may, tôi đã tự nhân giống được 400 cây sâm Lai Châu để trồng trong vườn. Khu vườn sâm của tôi ở độ cao khoảng 1.800 m so với mực nước biển, khí hậu thuận lợi nên cây phát triển tốt. Hy vọng khoảng 2 năm nữa, cây sâm Ngọc Linh ra hoa, tôi có thể tự nhân giống được loại sâm này”, anh Hù cho hay.

Trên địa bàn xã Pa Cheo hiện nay, ngoài anh Sùng A Hù là người đầu tiên trồng thử nghiệm cây sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh thì có khoảng 20 hộ dân cũng mạnh dạn mua cây sâm Lai Châu về trồng thử nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo
Tiêu biểu như ở thôn Séo Pa Cheo có anh Châu A Vềnh, trồng khoảng 4.000 cây sâm Lai Châu, với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Còn các hộ dân khác chỉ trồng thử nghiệm từ vài chục đến vài trăm cây. Ngoài ra, một số hộ dân cũng tự trồng và nhân giống cây tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến.
Pa Cheo là xã có 100% đồng bào Mông, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Làm thế nào để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho bà con luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền xã. Từ những cây tam thất hoang mọc tự nhiên trên rừng và được bà con nhân giống thành công, cũng như trồng thử nghiệm cây sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh phát triển tốt đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã.

Trồng sâm không chỉ đầu tư ban đầu tốn kém mà đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cần nhiều thời gian để cây trưởng thành đến khi cho thu hoạch nên không phải dễ thực hiện. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và động viên bà con tích cực bảo tồn cây dược liệu quý, xã Pa Cheo mong muốn trong thời gian tới được các cấp, các ngành quan tâm đánh giá và có những định hướng, hỗ trợ bà con phát triển trồng cây dược liệu quý để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập n