Trồng khoai tây theo chuỗi liên kết vùng Tây Nguyên
Bước sang năm thứ ba triển khai mô hình sản xuất khoai tây nguyên liệu gắn với hệ thống tiêu thụ tại vùng Tây Nguyên, TS Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, Chủ nhiệm Dự án Đánh giá mô hình ứng dụng công nghệ mới giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí công lao động và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây nguyên liệu gắn với hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Tây Nguyên” giai đoạn năm 2023-2025 do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 2 tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai triển khai quy mô tổng diện tích 34 ha. Trong đó gồm 29 ha tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và 5 ha tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) với lần lượt 100 nông hộ và 20 nông hộ tham gia. Đây là số nông hộ tham gia có đủ điều kiện về đất đai, khả năng đầu tư vốn, thông qua tập huấn kỹ thuật có thể tự tổ chức sản xuất khoai tây để cung cấp cho các đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời, Dự án lựa chọn các doanh nghiệp uy tín bao tiêu và chế biến sản phẩm từ khoai tây như: Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina; Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Sao Cao Nguyên; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến…
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa Trần Anh Thông cho biết, trước khi đi vào sản xuất theo mô hình liên kết, Dự án tổ chức 3 lớp tập huấn cho 120 học viên đại diện nông hộ tham gia. Giảng viên là các chuyên gia về khoai tây của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa. Qua đánh giá cho thấy, từng lớp tập huấn tổ chức một cách bài bản, học viên đã nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo các khâu kỹ thuật từ bố trí thời vụ trồng, làm đất, lên luống, rạch hàng, bón phân, trồng đến chăm sóc, nhận biết một số sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ, thu hoạch, bảo quản chất lượng sản phẩm đầu ra đảm bảo theo hợp đồng bao tiêu của công ty đã ký kết…
Đi vào triển khai mô hình, Dự án chọn 2 giống khoai tây Atlantic và TK15.80 do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa chọn tạo, thu thập và phục tráng từ những giống khoai tây truyền thống ở Lâm Đồng. Dự án sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch sản phẩm, kết quả đến hết năm 2024 đạt các chỉ tiêu kế hoạch của Dự án. Cụ thể sau 95 - 100 ngày áp dụng sản xuất, lần lượt mô hình trên quy mô tổng diện tích 29 ha giống khoai tây Atlantic và TK15.80 tại vùng trồng xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và 5 ha giống khoai tây TK15.80 tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đạt năng suất trung bình 26,5 tấn/ha.
“Qua từng mô hình chăm sóc, 2 giống khoai tây Atlantic và TK15.80 đều sinh trưởng tốt, khả năng đề kháng khá cao đối với các loại bệnh gây hại. Như tại thời điểm 50 - 60 ngày sau khi trồng, mức độ phủ luống đạt 100% và không xuất hiện các triệu chứng bệnh héo xanh và virus trên đồng ruộng. Riêng bệnh mốc sương nhiễm nhẹ - chiếm tỷ lệ khoảng 2%, sau đó đã kiểm soát hoàn toàn bằng các giải pháp phù hợp…”, ông Trần Anh Thông nhận định. Nhìn chung, các mô hình sản xuất khoai tây đều thu hoạch đảm bảo thời vụ trong mùa khô Tây Nguyên, đạt năng suất trung bình cao hơn mục tiêu của dự án khoảng 32%. Nông hộ liên kết trồng khoai tây của Dự án tại tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai đã đạt tổng doanh thu khả quan với trên 262 triệu đồng/ha, tăng trên 26 triệu đồng/ha so với khoai tây sản xuất ngoài mô hình. Đặc biệt mô hình sản xuất khoai tây nguyên liệu ở đây đáp ứng các chỉ tiêu chế biến công nghiệp, hàm lượng chất khô đạt ≥ 18%, đường khử thấp…
Dự kiến sau khi hoàn thành mô hình vào năm 2025, Dự án tiếp tục nhân rộng áp dụng kỹ thuật mới trồng khoai tây Atlantic và TK15.80 trên vùng Tây Nguyên với tổng diện tích từ 300 - 500 ha. Qua đó góp phần thúc đẩy ngành hàng sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng trên cơ sở người sản xuất tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới về giống, canh tác ứng dụng cơ giới hóa; hình thành chuỗi liên kết giá trị gia tăng gắn sản xuất với tiêu thụ ổn định lâu dài…