Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người tạo lập truyền thống đánh thắng trận đầu của QĐND Việt Nam

Đây là truyền thống đã góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong quá trình tiến hành Cách mạng Tháng Tám và trong những cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc về sau.

LỜI TÒA SOẠN

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuối năm 1944, ông và một số đồng chí đã lên Pắc Bó gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh họp bàn về phương hướng phát triển cách mạng. Sau khi nghe ông và các đồng chí báo cáo về tình hình cách mạng, Bác nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự”.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Lời Tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Lời Tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bác đưa ra cách giải quyết là: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội giải phóng”.

Đại tướng nói: “Ngay trong buổi họp đó, tôi được chỉ định đảm nhiệm công tác này. Rồi bác hỏi: - Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không? Tôi đáp: - Có thể được”.

Đại tướng kể lại, ông đã bàn cùng với đồng chí Lê Quảng Ba về kế hoạch xây dựng đội quân giải phóng này và kế hoạch tác chiến. Ông kể, các ông cùng xác định rằng: “Những hoạt động đầu tiên của đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của giặc, phải đánh thắng thật giòn giã để khuếch trương thanh thế”. Như vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch thành lập đội vũ trang tuyên truyền, Đại tướng và các đồng chí của ông đã xác lập phương châm đánh thắng ngay trận đầu. Sau đó, ông báo cáo chủ trương này với Bác, và Người đã “chỉ thị”: “Được. Tình hình quốc tế đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.

Đây là phương châm, nhiệm vụ đầu tiên, nặng nề mà Bác đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị, giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Hồi ký của ông nói rõ việc này: “Một ngày trước lễ thành lập đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc”.

Thực hiện chỉ thị của Bác, 5h00 chiều ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay.

Theo Đại tướng thì việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là một nhiệm vụ nặng nề, vì nó chuẩn bị cho thắng lợi trong tương lai của cách mạng, nhưng nhiệm vụ còn nặng nề hơn là đảm bảo được “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”. Tức là phải đánh thắng ngay trận đầu để lấy đó làm nền tảng khuếch trương, tuyên truyền mà gây dựng, phát triển lực lượng, đưa cách mạng tiến lên, đúng theo ý của Bác là: Chính trị trọng hơn quân sự, cần phải lấy vũ trang ra để tuyên truyền.

Hoàn thành nhiệm vụ Bác Hồ giao phó

Đại tướng kể lại, để hoàn thành nhiệm vụ đánh thắng trận đầu, ông và các đồng chí của mình đã họp bàn kế hoạch tác chiến, và quyết định sẽ chiến đấu ngay khi thành lập đội. Quyết tâm đánh như thế là đã được xác định, nhưng theo ông thì: “Một điều rất quan trọng khác phải bàn bạc là đánh cách nào? Trong trận đầu chúng ta phải giành được thắng lợi mà không để bị tổn thất nặng nề về người cũng như về vũ khí. Lực lượng của ta trong thời kỳ trứng nước còn rất mỏng manh. Vũ khí đã thiếu, đạn dược càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường chỉ có trung bình hai mươi viên đạn. Chỉ cần đánh một hai trận là sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng, và khi đó khẩu súng trường, thứ vũ khí chủ lực của đội, sẽ trở nên vô dụng”.

Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Như vậy có thể thấy, vấn đề cách đánh để đảm bảo được mục tiêu thắng ngay trận đầu cũng là một vấn đề quan trọng sau khi đã chọn được địa bàn tác chiến. Theo hồi ký của Đại tướng thì: “Khi bàn bạc thấy, nếu đánh phục kích các đội quân lưu động của địch thì tương đối dễ đạt thắng lợi và bộ đội cũng đỡ bị tổn thất. Nhưng cũng lại thấy, đánh phục kích thì chỉ có thể thu được một số súng mà không giải quyết được vấn đề đạn dược. Bọn chỉ huy người Pháp vốn không tin ở binh lính người Việt, khi đi tuần tiễu chúng chỉ phát cho mỗi tên lính từ năm đến mười viên đạn. Về vũ khí lúc này, súng chưa quan trọng bằng đạn dược. Mặt khác, muốn đánh phục kích phải có thời gian mới gặp hoặc tạo nên được cơ hội, như vậy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong vòng một tháng. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định, trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn”.

Như vậy, xuất phát từ yêu cầu phải thắng trận đầu, nên việc bàn bạc, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để đáp ứng yêu cầu đánh chắc thắng cũng đã được Đại tướng và các đồng chí của mình bàn bạc, tính toán. Hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần đã được Đại tướng và các đồng chí của mình lựa chọn để thực hiện mục tiêu đánh thắng trận đầu và đánh chắc thắng này.

Đúng như Đại tướng đã nói trong hồi ký, việc nghiên cứu kỹ tình hình địch, lên kế hoạch tác chiến một cách kỹ lưỡng, dự đoán đúng các tình huống có thể xảy ra khi tập kích hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, là những yếu tố đảm bảo cho đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu. Thực hiện tốt những yếu tố này nên cả hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào các đồn Phai Khắt và Nà Ngần đã giành được toàn thắng.

Theo Đại tướng, hai chiến thắng liên tiếp này của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó đã gây được tiếng vang lớn trong quần chúng nhân dân, tạo điều kiện để tuyên truyền phát triển lực lượng.

Như vậy có thể thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí, đồng đội của mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ giao phó: đánh thắng ngay trận đầu và đánh chắc thắng. Về sau, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được lấy làm ngày thành lập QĐND Việt Nam anh hùng. Và phương châm đánh thắng ngay trận đầu, đánh chắc thắng của Đội đã trở thành truyền thống của Quân đội.

Truyền thống này càng về sau, càng được quán triệt sâu rộng trong quân đội ta, trở thành nền tảng để QĐND Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở vùng biên giới và nhất là trong việc đấu tranh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay.

Tiến sĩ Phạm Minh Thế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nguoi-tao-truyen-thong-danh-thang-tran-dau-cua-qdnd-2354765.html
Zalo