Trong 1 thập kỷ, Trung Quốc từ công xưởng thế giới thành 'tay chơi' công nghệ sừng sỏ

Trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc từ công xưởng lắp ráp khổng lồ, đã trở thành 'tay chơi' phát triển những công nghệ có thể cạnh tranh với đối thủ phương Tây.

Minh chứng rõ nhất là sự xuất hiện của chatbot AI DeepSeek khiến phố Wall phải giật mình. Tuy nhiên, nếu theo dõi quá trình 10 năm vừa qua của Trung Quốc, điều này không có gì ngạc nhiên.

Trung Quốc đã từng bước nâng cao hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) - một phần trong chiến lược lớn “Made in China 2025” mà nước này đề ra vào năm 2015.

Ý tưởng bao trùm là biến cụm từ phổ biến in dưới những món đồ - thường gắn với những định kiến về giá rẻ và chất lượng thấp, thành chỉ dấu của những món hàng công nghệ, chất lượng cao.

DeepSeek mở màn cho năm 2025 - thời điểm đánh dấu 10 năm chiến lược "Made in China 2025". Ảnh: FT

DeepSeek mở màn cho năm 2025 - thời điểm đánh dấu 10 năm chiến lược "Made in China 2025". Ảnh: FT

Mười ngành công nghệ mũi nhọn đã được lựa chọn tập trung phát triển bao gồm AI, điện toán lượng tử, xe điện, năng lượng tái tạo, công nghệ pin,... Theo đánh giá, Trung Quốc đã thành công trong việc trở thành “người chơi lớn” nhiều lĩnh vực trong số này, được giới quan sát ghi nhận.

“Made in China 2025 phần lớn đã thành công”, Tiến sĩ Yundan Gong, chuyên gia về Kinh tế Phát triển tại Kings College London, nhận định. “Trong nhiều ngành công nghiệp, Trung Quốc đã bắt kịp với vị trí dẫn đầu và thậm chí dẫn đầu ở một số ngành”.

Chẳng hạn, với lĩnh vực sản xuất xe điện, Trung Quốc đã vượt qua những gã khổng lồ truyền thông như Đức, Nhật, Mỹ với doanh số vượt trội toàn cầu.

Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nước này cũng đang chiếm khoảng hơn 90% chuỗi cung ứng toàn cầu về pin mặt trời.

Trong khi đó, trên lĩnh vực máy bay không người lái, Trung Quốc cũng đang thống trị với thương hiệu DJI - chiếm 70% thị phần quốc tế.

Tờ SCMP cho hay, Bắc Kinh đã đặt ra hơn 250 mục tiêu nhỏ theo lộ trình và tỷ lệ hoàn thành lên đến 86%.

Trong khi đó, nghiên cứu của Quốc hội Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch huy động và chi 1,5 ngàn tỷ USD cho các hoạt động tài trợ nghiên cứu, phát triển hoặc thâu tóm công ty nước ngoài. Số liệu hết năm 2020 đã ghi nhận Bắc Kinh chi hơn 627 tỷ USD.

“Không bao giờ giậm chân tại chỗ”

Những năm gần đây, các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ đã gia tăng cấm vận và hạn chế nghiêm ngặt hơn với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, động thái này cũng tạo ra hiệu ứng ngược khi thúc đẩy Trung Quốc phải tìm cách tự chủ công nghệ mà DeepSeek là một ví dụ rõ ràng nhất.

Trung Quốc đã gặt hái được một số thành công nhất định với "Made in China 2025". Ảnh: FT

Trung Quốc đã gặt hái được một số thành công nhất định với "Made in China 2025". Ảnh: FT

Trong bối cảnh các công ty không thể tiếp cận những con chip hiện đại nhất để đào tạo mô hình AI, thay vào đó startup Trung Quốc buộc phải tìm ra những kỹ thuật mới để tận dụng các con chip cũ hơn, yếu hơn và từ đó tạo ra một sản phẩm có chi phí chỉ bằng số lẻ so với những gã khổng lồ phương Tây.

Các công ty AI Trung Quốc đang sở hữu nhiều bằng sáng chế hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Alibaba và ByteDance cũng đang chi tiền đầu tư R&D tương đương với đối thủ của họ ở Mỹ.

“Phát triển sản xuất tại Trung Quốc chưa bao giờ giậm chân tại chỗ và sự kìm hãm của phương Tây càng đẩy nhanh nỗ lực tự chủ công nghệ của Bắc Kinh”, Zang Jiyuan, chuyên gia chiến lược sản xuất tại Viện Kỹ thuật Trung Quốc nói.

TikTok, mạng xã hội đầu tiên không phải của Mỹ, đạt được thành công toàn cầu, đến mức Washington buộc phải cân nhắc đóng cửa ứng dụng viện dẫn những lý do về an ninh quốc gia.

Song, ngoài TikTok, các ứng dụng “Made in China” khác cũng đang làm mưa làm gió tại thị trường đối thủ này như Temu hay Shein.

Một ví dụ khác, Huawei, từ chỗ là công ty thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, bị đưa vào danh sách đen năm 2019, thậm chí không thể sản xuất được một chiếc điện thoại 5G, đã tìm thấy phương thuốc hồi sinh nhờ tự chủ công nghệ, khi doanh số smartphone hồi phục, tự sản xuất bán dẫn và chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác.

“Trung Quốc về cơ bản đã đạt được tầm nhìn mà họ đề ra 10 năm trước”, Zang Jiyuan kết luận.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/muoi-nam-trung-quoc-tu-cong-xuong-the-gioi-thanh-tay-choi-cong-nghe-sung-so-2370013.html
Zalo