Trở về từ tâm bão Yagi
Khi miền Bắc oằn mình khắc phục hậu quả của bão Yagi (cơn bão số 3), những chàng trai, cô gái mang theo tấm lòng của người dân Gia Lai đã nhanh chóng lên đường 'chi viện'.
Hành trình trao gửi yêu thương của họ đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm nhưng đổi lại là tình cảm đầy trân quý của người được giúp đỡ.
Hướng về miền Bắc thân yêu
Cơn bão Yagi lịch sử đổ bộ vào miền Bắc tháng 9-2024 và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Người dân nhiều nơi, đặc biệt là bà con các tỉnh miền núi phía Bắc rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất, bị cô lập giao thông dẫn đến thiếu thốn về lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh…
Chứng kiến những hình ảnh ấy qua báo đài, mạng xã hội, người dân cả nước đã không khỏi đau lòng và chung tay ủng hộ. Ở Gia Lai, ngoài ủng hộ tiền mặt qua các kênh tiếp nhận khác nhau, nhiều hội nhóm, cá nhân đã quyên góp hàng hóa chuyển đến tay bà con ngoài Bắc thân yêu.
Anh Võ Phi Hổ (SN 1993, xã Chư Á, TP. Pleiku)-Chủ nhà xe Phi Hổ là một trong những đầu mối kêu gọi và tiếp nhận hàng hóa của người dân Gia Lai. Chàng trai này là cái tên khá quen thuộc trong hoạt động từ thiện. Trong đợt dịch Covid-19, anh cùng những người bạn đã quyên góp nhu yếu phẩm, rau củ để chuyển đến bà con vùng tâm dịch tại Đà Nẵng.
Với lợi thế sẵn phương tiện vận chuyển, sau cơn bão Yagi, anh Hổ đã đứng ra tiếp nhận và cam kết giao tận tay người dân vùng bị thiệt hại. “Tôi đã có kinh nghiệm cứu trợ đợt dịch Covid-19 cũng như các đợt thiên tai nên hiểu bà con cần gì, nên mang đến những gì vừa thiết thực mà vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tôi cũng rất bất ngờ khi chỉ trong thời gian ngắn, người dân khắp nơi quyên góp nhờ chúng tôi sớm chuyển hàng hóa đến đồng bào miền Bắc”-anh Hổ chia sẻ.
Cũng theo anh Hổ, thời điểm đó có khá nhiều đầu mối đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, hàng. Tuy nhiên, sau đó, đại diện các đầu mối đã thống nhất tập kết hàng hóa về một điểm rồi chuyển ra phía Bắc và lấy tên chung là “Bà con Gia Lai” với khẩu hiệu “Hướng về miền Bắc thân yêu”.
Anh bày tỏ: “Chúng tôi làm nhiệm vụ của những người vận chuyển. Còn hàng hóa là của hàng trăm, hàng ngàn người dân Gia Lai nên anh em không đứng tên riêng một đơn vị, doanh nghiệp nào cả mà thay mặt cho người Gia Lai nói chung”.
Chỉ trong thời gian ngắn, đoàn từ thiện đã nhận được gần 200 tấn hàng gồm: áo phao, lương thực khô, mì tôm, bánh mì, nước lọc, gạo, bánh chưng, bánh tét, cháo ăn liền, đồ hộp, bánh ngọt, bánh mì, sữa đặc có đường, xúc xích, sữa tươi, bàn chải đánh răng, nước giặt, khăn, giấy vệ sinh, quần áo, thùng thuốc cá nhân, băng, bông, oxy già…
Khi những chuyến hàng đầu tiên đưa ra miền Bắc, người dân Gia Lai vẫn tiếp tục quyên góp khoảng 55 tấn hàng. Chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1993, phường Hội Thương, TP. Pleiku)-một người thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện cũng khá bất ngờ trước số lượng hàng hóa “khủng” mà người dân Gia Lai ủng hộ.
“Sau 3 tiếng đồng hồ kể từ khi tôi đăng lời kêu gọi trên Facebook cá nhân, hàng trăm người mang hàng hóa đến ủng hộ khiến nhà tôi không đủ chỗ chứa. Tôi phải liên hệ mượn hội trường tổ dân phố và mượn thêm 3 nhà dân để chứa hàng. Tất cả đều quá tải trước số lượng hàng hóa khổng lồ. Chúng tôi cố gắng tập kết, phân loại trong sự cảm động sâu sắc tấm lòng tốt đẹp của bà con”-chị Thảo tâm sự.
Sau khi đã tập kết hàng hóa, đoàn thiện nguyện chia làm 2 đợt để vận chuyển đến hỗ trợ bà con miền Bắc. Trong đợt 1, chuyến xe nghĩa tình với 10 chiếc xe tải và khoảng 20 người chia làm 2 hướng: 1 đi hướng tỉnh Yên Bái, 1 đi hướng tỉnh Lào Cai. Trong đợt 2, đoàn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đến tặng quà tỉnh Cao Bằng và Điện Biên. Những con người giàu lòng thiện nguyện tạm gác công việc riêng để toàn tâm toàn ý với chuyến đi nghĩa tình.
Anh Lê Minh Nam (SN 1997, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku)-Nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, người từng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa đã đồng hành cùng đoàn từ thiện trong đợt này.
Anh bộc bạch: “Ai cũng có công việc, cũng đều bận cả, nhưng chúng tôi chủ động sắp xếp ổn thỏa. Ngoài các tài xế tình nguyện, phải có người đi cùng để bốc vác hàng và còn nhiều việc phát sinh dọc hành trình.
Khi đi, tôi không dám nói với cha mẹ vì miền Bắc đang thiên tai, cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Nhưng thâm tâm thôi thúc mình phải đi, bởi ngoài kia nhiều gia đình bị thiệt hại, thiếu thốn”.
Tình người trong tâm bão
Đoàn xe của “Bà con Gia Lai” cùng với những lá cờ Tổ quốc phấp phới hướng về miền Bắc. Hành trình khiến họ nhận thức rõ hơn tình cảm đồng bào thiêng liêng.
Anh Hổ cho biết, mỗi ngày, anh nhận được hàng trăm, hàng ngàn cuộc điện thoại hướng dẫn địa điểm cần cứu trợ hay lời mời đón tiếp suốt dọc đường đi. Nhiều hàng quán ven đường không lấy tiền ăn uống dù đoàn nhất quyết chi trả.
“Người dân bên đường vẫy chào chúng tôi và gửi những lời động viên tiếp sức. Tất cả đều chung một tấm lòng dành cho bà con miền Bắc yêu thương. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi không ai là không xúc động, nghẹn ngào. Nếu không trực tiếp tham gia hành trình, có lẽ chúng tôi cũng không có cơ hội cảm nhận đầy đủ tình người đoàn kết, sẻ chia lúc hoạn nạn như thế ”-anh Hổ bồi hồi.
Tham gia đoàn cứu trợ hầu hết là những người có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia các đoàn thiện nguyện đến những vùng sâu, vùng xa. Họ chủ động tìm những địa điểm bị thiệt hại nặng nhưng chưa có sự hỗ trợ để bà con sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm đến đâu họ cũng không thể lường trước những hiểm nguy do thiên tai gây ra.
Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Trong đợt bão Yagi, nhóm thiện nguyện của các thanh niên đại diện cho người dân Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối hàng cứu trợ đến với bà con miền Bắc. Họ rất năng nổ, nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy để mang tấm lòng của người dân Gia Lai đến những vùng xa xôi, gian khó nhất. Hành động ấy lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đầy nhân văn và sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em”.
Anh Nam cho hay: Vì để trao quà kịp thời cho bà con nên hầu như ngày nào hành trình của đoàn cũng kéo dài đến nửa đêm hoặc rạng sáng. Nhiều tài xế chưa từng đến những bản làng xa xôi với địa hình hiểm trở ở miền núi phía Bắc. Rất nhiều con đường nhỏ chỉ vừa bánh xe đi với một bên là vách đá, một bên là bờ vực thăm thẳm.
“Khi chúng tôi vừa trao xong quà cho một điểm trường vùng cao ở Yên Bái thì nhận được tin đoạn đường vừa đi qua bị sạt lở, cô lập hoàn toàn. Lần khác, khi vừa di chuyển đến một điểm cứu trợ thì gặp tảng đá lớn rơi từ đỉnh núi xuống. May là cả đoàn đã kịp đi qua nơi bị đá lăn. Chỉ có thể nói trời thương trong tình huống này”-anh Nam nhớ lại.
Còn chị Thảo thì kể: “Đó là một đêm khá muộn ở tỉnh Lào Cai, xe chúng tôi va chạm và mắc kẹt với một xe ô tô 16 chỗ trên đường đèo. Chỉ một xíu nữa là xe chúng tôi rơi xuống vực. Cả đoàn ai nấy bàng hoàng trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy. May mắn là sau đó, cả đoàn bình tĩnh xử lý và vượt qua an toàn”.
Giữa những mối nguy hiểm rình rập, song với tấm lòng thiện nguyện, những người trực tiếp chuyên chở yêu thương của bà con Gia Lai đã hoàn thành mục tiêu. Trong 10 ngày, các thành viên của đoàn dù ăn bờ ngủ bụi, làm quen với… muỗi, dùng bữa ăn bằng mì gói song họ đã nỗ lực hết mình để kịp tiến độ trao quà. Với sự dốc sức của đoàn, tấm lòng của Gia Lai đã được ghi nhận đầy trân trọng và tình cảm biết ơn của bà con nơi bị thiên tai tàn phá.
“Họ xúc động lắm khi thấy Gia Lai xa xôi gửi quà giúp đỡ bản làng. Bà con gửi lời cảm ơn, đoàn cũng bịn rịn lúc chia tay. Có đi mới thấy nhiều nơi cuộc sống của bà con còn lắm khó khăn”-anh Nam chia sẻ.