'Kho báu' độc nhất vô nhị giữa đại ngàn Tây Nguyên
Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, tồn tại rừng pơ mu quý hiếm hàng trăm năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt.
"Vương quốc" pơ mu
Ẩn sâu trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai), ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, một quần thể rừng pơ mu cổ thụ quý hiếm vẫn tồn tại. Những cây pơ mu này đã có tuổi đời hàng trăm năm, với đường kính gốc lên đến 2-3 mét, vươn mình kiêu hãnh giữa không gian rừng nguyên sinh.
Đây được coi là "vương quốc" pơ mu duy nhất, được bảo vệ cẩn trọng như một kho báu giữa đại ngàn. Rừng pơ mu tập trung chủ yếu tại xã Kon Pne (huyện Kbang).
Hiểu rõ giá trị vô cùng quý giá của khu rừng này, lực lượng bảo vệ rừng và cộng đồng địa phương đã hợp tác chặt chẽ trong công tác bảo vệ. Mỗi tuần, các cán bộ trạm tổ chức các đợt tuần tra định kỳ và đột xuất để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại.
Đặc biệt, người dân xã Kon Pne luôn có ý thức bảo vệ rừng cao, thường xuyên tham gia tuần tra và báo cáo kịp thời khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Chính sự phối hợp giữa cộng đồng và lực lượng chức năng đã giúp cho quần thể pơ mu tại Kon Ka Kinh được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành biểu tượng của sự đa dạng sinh học và là niềm tự hào của tỉnh Gia Lai.
Trong những ngày Tết, công tác bảo vệ rừng pơ mu luôn được chú trọng hơn bao giờ hết.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Trung Diệu, nhân viên quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chia sẻ: “Rừng pơ mu là mục tiêu đặc biệt trong công tác bảo vệ của chúng tôi. Hàng tuần, cán bộ trạm tổ chức 2 lượt tuần tra định kỳ vào rừng pơ mu. Ngoài ra, còn có các đợt kiểm tra đột xuất và phối hợp với các ngành chức năng trong công tác truy quét đối tượng vi phạm”.
Người dân xã Kon Pne cũng đóng góp một phần lớn vào công tác bảo vệ rừng nhờ ý thức cao. Họ thường xuyên tuần tra và báo cáo ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu tác động vào khu rừng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ rừng và cộng đồng địa phương đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn quần thể pơ mu quý giá tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Bảo vệ nghiêm ngặt
Theo anh Diệu, tại các tiểu khu 74 và 75 thuộc xã Kon Pne, có hàng ngàn cây pơ mu hàng trăm năm tuổi. Những cây pơ mu lớn thường nằm ở những khu vực hiểm trở, thường là ở các bờ vực sâu, chỉ có thể quan sát từ xa vì việc tiếp cận rất nguy hiểm.
Khu vực này không chỉ có pơ mu mà còn có nhiều cây hoàng tùng, dổi, thông 5 lá cổ thụ, tuy nhiên, quần thể pơ mu vẫn chiếm số lượng lớn nhất. Hiện nay, không còn nhiều nơi có pơ mu như ở đây.
Sau các loại cây như huỳnh đàn, trắc, hương, pơ mu là loài cây tiếp theo bị săn lùng. Chính vì vậy, loài cây này đã được đưa vào danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm IIA) và có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, với việc khai thác bị hạn chế nghiêm ngặt, đặc biệt là khai thác thương mại.
Ông Nguyễn Thanh Cao, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6 thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: “Trạm thường xuyên phân công cán bộ phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương để tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt là những khu vực trọng điểm nơi có sự phân bố cây pơ mu cổ thụ quý hiếm. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện các đợt truy quét dài ngày tại những khu vực này".
Hiện nay, cộng đồng làng Kon Kring (xã Kon Pne) có 94 hộ dân tham gia vào công tác nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 1.300 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và hơn 600ha rừng của xã, với việc hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua việc thành lập 5 tổ tự quản (mỗi tổ có 10 người) để chia nhau tuần tra và giám sát, nhằm ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khẳng định: “Quần thể pơ mu là tài nguyên quý hiếm, nếu không được bảo vệ kịp thời, rất dễ bị xâm hại hoặc bị đốn hạ do giá trị kinh tế cao.
Để tăng cường bảo vệ và ngăn ngừa sự nhòm ngó của lâm tặc, chúng tôi đã chỉ đạo Trạm bảo vệ rừng phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã và cộng đồng làng nhận khoán bảo vệ rừng, quyết tâm bảo vệ vững chắc cánh rừng này. Công tác tuần tra, kiểm soát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho "vương quốc" pơ mu quý giá này".