Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Ninh Thuận mong muốn góp sức, nguồn lực cùng cả nước đoàn kết, chung sức, quyết tâm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Người dân mong sớm có chính sách hỗ trợ

Cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Theo nghị quyết, dự án tiếp tục được thực hiện tại vị trí từng được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam với diện tích 440 ha) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với diện tích 380 ha).

Một góc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Sơn

Một góc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Sơn

Để Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sớm được đầu tư xây dựng, UBND các huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải đã có những kiến nghị cụ thể. Theo đó, ông Trương Xuân Vỹ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam - cho rằng, địa bàn xã Phước Dinh, khu vực dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được hưởng các chính sách đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của huyện, trong năm 2024, sẽ phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới, do vậy, xã Phước Dinh sẽ không tiếp tục được hưởng chính sách xã bãi ngang sau khi được công nhận xã nông thôn mới. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế liên quan đặc thù cho xã Phước Dinh được thụ hưởng các chính sách đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận luôn đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Lê Sơn

Người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận luôn đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Lê Sơn

Đối với chính sách tín dụng, an sinh xã hội, ông Trương Xuân Vỹ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam - cho biết, trong thời gian triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, từ năm 2010 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân gặp khó khăn dẫn đến không có khả năng tài chính để trả nợ cho ngân hàng. Tại vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, số hộ dân vay là 190 hộ, với tổng dư nợ khoảng 5,4 tỷ/190 hộ.

Theo đó, huyện Thuận Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn (như: cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, cho vay mới,…) cho các hộ dân đang gặp khó khăn tại các khu vực nói trên. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh để có thu nhập trả nợ.

Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi cũng nằm trong quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Lê Sơn

Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi cũng nằm trong quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Lê Sơn

Huyện Thuận Nam cũng đề xuất bổ sung người dân thôn Vĩnh Trường được hưởng các gói hỗ trợ trực tiếp theo chính sách bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 như: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước trong mỗi dịp Tết âm lịch; hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ giáo dục, đào tạo, tạo việc làm và phát triển sản xuất... Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong dự toán hàng năm để góp phần ổn định sản xuất, đời sống nhân dân hơn 10 năm qua từ khi có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến nay chịu nhiều thiệt thòi, gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất trước mắt các chính sách do cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giải quyết phù hợp với đặc thù với người dân khu vực thôn Vĩnh Trường thuộc Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như: 100% được miễn học phí, mua bảo hiểm, chi phí đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ giống sản xuất, hỗ trợ việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất miễn phí… trong giai đoạn 2025-2030.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là các dự án trên đã có trong danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2026-2030 ban hành kèm theo Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam được UBND tỉnh phê duyệt.

Đặc biệt, ông Trương Xuân Vỹ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam - cũng kiến nghị sớm có chủ trương, lộ trình đầu tư nhà máy điện hạt nhân để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và các Quy hoạch xây dựng.

Có cơ chế ưu tiên, bố trí bổ sung biên chế cho huyện Thuận Nam và xã để đảm bảo công tác quản lý nhà nước phục vụ khu vực trọng điểm phía nam; nhất là biên chế của các lĩnh vực quản lý đất đai cấp huyện, xã để đảm bảo công tác đo đạc, thực hiện các thủ tục đất đai, nhất là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các dự án trọng điểm phía Nam.

Tương tự, ngoài việc đồng quan điểm với các kiến nghị nêu trên, ông Trần Minh Thái - Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải - cũng có những kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương, cấp có thẩm quyền xem xét, khi thu hồi đất để thực hiện dự án, số hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 là rất lớn (tổng cộng 834 hộ với khoảng 2884 khẩu).

Bà Dương Thị Bạch Tuyết - người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - đang chăm sóc vườn nho của gia đình, nơi quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Bà Dương Thị Bạch Tuyết - người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - đang chăm sóc vườn nho của gia đình, nơi quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Do đó, quá trình thực hiện dự án cần nghiên cứu có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, để người dân về nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn. Sớm thực hiện đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh, đảm bảo cơ sở hạ tầng đầu tư khu vực tái định cư để kịp thời bố trí chỗ ở mới cho người dân bị thu hồi đất.

Theo ông Trần Minh Thái, cần có những cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân vùng dự án khi về nơi ở mới, đảm bảo các điều kiện về đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân bị thu hồi đất được đào tạo, chuyển đổi nghề, được giải quyết việc làm để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ninh Thuận vào cuộc với hào khí anh hùng

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, đối với chủ trương tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, từ năm 2009, khi Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được thông qua, nhân dân tỉnh Ninh Thuận nói chung và người dân vùng dự án nói riêng đều rất đồng thuận chủ trương triển khai dự án. Đồng thời, phối hợp rất tốt thực hiện các công việc cho đến khi có Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Từ đó đến nay đã 8 năm, nhân dân vùng dự án mong muốn sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Đến nay, nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận luôn đồng tình, tin tưởng, chấp hành các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng” - ông Trần Quốc Nam khẳng định.

Ông Trần Quốc Nam cho biết thêm, đây là vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận khi Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục khởi động dự án trong bối cảnh tình hình yêu cầu phải đủ nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng sạch, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai theo hướng bền vững hơn.

“Ninh Thuận luôn mong muốn góp công sức, nguồn lực cùng cả nước, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước, hướng đến “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận sẽ có kế hoạch, bắt tay thực hiện nhiệm vụ cụ thể ngay sau khi có lộ trình của Trung ương về các công việc của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Không phải hôm nay mà hơn 8 năm qua, khi dừng triển khai 2 dự án, tỉnh đã quản lý nguyên trạng các hạng mục công trình và luôn luôn sẵn sàng khi cần thiết. Ninh Thuận anh hùng trong kháng chiến và sẽ luôn anh hùng trong công cuộc phát triển đất nước” - ông Nam bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, trong năm 2024, Quốc hội, Chính phủ bố trí cho tỉnh nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh với 423 tỷ đồng, đầu tư 18 hạng mục về giao thông, thủy lợi, trường học… tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tỉnh xác định, trong thời gian chờ đợi triển khai, lộ trình các công việc sắp thực hiện cần có thời gian.

“Trước mắt, phải đảm bảo cho nhân dân vùng dự án có các điều kiện về đời sống, sinh hoạt, sản xuất liên tục, tối thiểu; các công trình đầu tư phát huy hiệu quả trước mắt và lâu dài, không lãng phí nguồn lực nhà nước, đặc biệt là tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm trong thời gian tới để cùng đồng hành, triển khai các công việc rất quan trọng, cấp bách cho việc xây dựng dự án” - ông Trần Quốc Nam nói.

Hoàng Nhưỡng - Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tro-lai-noi-lam-nha-may-dien-hat-nhan-o-ninh-thuan-bai-3-vao-cuoc-voi-hao-khi-anh-hung-365245.html
Zalo