Trợ giúp pháp lý: Ngọn đèn dẫn đường cho người yếu thế

TP.HCM kiến nghị mở rộng trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, đặc biệt lao động nhập cư, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận công lý.

Chiều 14-4, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Xây dựng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập tỉnh”.

Cần mở rộng diện thụ hưởng trợ giúp pháp lý để không ai bị bỏ lại phía sau

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, báo cáo, trợ giúp pháp lý không chỉ là một dịch vụ công thiết yếu – mà còn là tấm lưới an sinh pháp lý bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế trong xã hội.

Tại TP.HCM, một đô thị đặc biệt, nơi tập trung đông dân nhập cư và lao động khó khăn, việc đảm bảo tiếp cận công lý cho mọi người dân là thách thức không nhỏ.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

Từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý 4.932 vụ việc, trong đó có 3.215 vụ tư vấn pháp luật, 1.696 vụ tham gia tố tụng và 21 vụ đại diện ngoài tố tụng. Tổng cộng, Trung tâm đã hỗ trợ 4.474 lượt người, với phần lớn là trẻ em (2.698 em), người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi (670 người), người khuyết tật (243 người), cùng các đối tượng yếu thế khác như người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số…

Đáng chú ý, trong số 1.250 vụ việc được Trung tâm tự thẩm định chất lượng, có đến 73,68% vụ việc được đánh giá là thành công. Đặc biệt, không có bất kỳ phản ánh hay khiếu nại nào từ người dân về chất lượng dịch vụ – điều này cho thấy sự tận tâm và hiệu quả trong hoạt động của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác.

Bên cạnh đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh với việc cập nhật 100% hồ sơ lên hệ thống hành chính, sử dụng email, Zalo, camera giám sát để đảm bảo minh bạch, kịp thời và an toàn trong hoạt động tiếp dân.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều người dân lao động nhập cư không có hộ khẩu, không đủ điều kiện pháp lý để xác nhận là hộ nghèo, hộ cận nghèo, dù hoàn cảnh sống rất khó khăn. Do đó, họ không thể tiếp cận được trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành. Tương tự, số lượng người dân tộc thiểu số ở TP.HCM không đủ 15% để được áp dụng các chính sách đặc thù dành cho vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, có những trường hợp trẻ vị thành niên là người bị hại hoặc bị buộc tội không được thông báo kịp thời, dẫn đến việc không thể tham gia hỗ trợ đến hết quá trình tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các em.

Từ những bất cập nêu trên, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị:

- Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, đặc biệt cho nhóm người thực sự khó khăn nhưng không đủ hồ sơ chứng minh;

- Giữ nguyên biên chế Trung tâm đến năm 2030, không cắt giảm, nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đặc thù;

- Thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM mở rộng, trên cơ sở sáp nhập với các Trung tâm tỉnh lân cận;

- Tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt với cơ quan tố tụng, đảm bảo mọi người dân có nhu cầu đều được tiếp cận dịch vụ đúng thời điểm.

Nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của luật sư trong trợ giúp pháp lý

Tại buổi tọa đàm, LS-TS Hà Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chia sẻ: Hiện TP.HCM có một số lượng rất lớn người dân lao động nhập cư – ước tính trên 3 triệu người tại khu vực TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu là lao động nghèo – không có nơi ở ổn định, không có hộ khẩu, không được xét là hộ nghèo hay cận nghèo dù họ rất nghèo. Họ là những người thực sự khó khăn, thường xuyên cần đến sự trợ giúp pháp lý.

 LS-TS Hà Hải, Ủy viên Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

LS-TS Hà Hải, Ủy viên Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

“Tuy nhiên, vì không đủ điều kiện về giấy tờ theo quy định hiện hành, nhóm đối tượng này không thể tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Luật thì không cấm, nhưng thực tiễn lại bị rào cản. Đó là điều bất cập lớn nhất.

Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, không chỉ dựa vào các xác nhận hành chính mà cần tính đến yếu tố hoàn cảnh thực tế, nhất là ở các đô thị lớn” - LS-TS Hà Hải phát biểu.

LS-TS Hà Hải cũng nhấn mạnh vai trò của giới luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý qua số liệu báo cáo của Liên đoàn Luật sư trong năm 2024, giới luật sư cả nước đã thực hiện 16.053 tại tòa và 13.484 vụ trợ giúp pháp lý ngoài tòa, trong đó luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM thực hiện hơn 3.150 vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đa số luật sư đều rất sẵn lòng tham gia trợ giúp pháp lý, tuy nhiên họ cũng cần một cơ chế rõ ràng về thủ tục và sự ghi nhận phù hợp. Có những luật sư có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt, sẵn sàng đóng góp và tham gia tích cực. Nhưng cũng có nhiều luật sư giỏi chuyên môn, muốn tham gia nhưng gặp khó khăn về chi phí đi lại, trong khi thủ tục thanh quyết toán hiện nay lại khá phức tạp. Nếu không có cơ chế hỗ trợ hợp lý, sẽ rất khó khuyến khích họ tham gia lâu dài.

Ngoài ra LS-TS Hà Hải cũng kiến nghị: để tạo điều kiện cho người dân nghèo, những người thuộc diện trợ giúp pháp lý thì khi sáp nhập các tỉnh thành nên tiếp tục duy trì các Trung tâm trợ giúp pháp lý hiện nay và không nên cắt giảm biên chế vì như Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM hiện chỉ có 29 người trong năm 2024 với gần 4.932 vụ việc cùng 190 luật sư tham gia là khối lượng công việc rất lớn. Việc sắp xếp, tinh giản nên phù hợp với đặc thù đô thị có quy mô dân số và vụ việc cần trợ giúp pháp lý lớn như TP.HCM.

Luật sư chính là “người trong cuộc”

Trợ giúp pháp lý là một chức năng xã hội của nghề luật sư, là nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó. Nhà nước quản lý và tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý, còn giới luật sư chính là “người trong cuộc”, thực hiện công việc này theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư.

Chỉ tính riêng tại Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có 190 luật sư tham gia phối hợp cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý, cùng hàng trăm luật sư khác tham gia trợ giúp pháp lý trực tiếp tại Đoàn.

Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ giúp các luật sư trưởng thành hơn trong nghề nghiệp mà còn góp phần nâng cao uy tín của luật sư trong cộng đồng, được Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng tin tưởng.

Trợ giúp pháp lý là một chức năng xã hội đặc biệt của nghề luật sư – điều mà rất ít ngành nghề có được. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chức năng này, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn – từ cơ chế, chính sách đến việc ghi nhận xứng đáng những đóng góp của giới luật sư – để họ có thể tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

LS-TS HÀ HẢI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tro-giup-phap-ly-ngon-den-dan-duong-cho-nguoi-yeu-the-post844340.html
Zalo