Trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Người khuyết tật (NKT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Khiếm khuyết trên cơ thể luôn là những trở ngại mà NKT phải đối mặt. Thế nhưng, không đầu hàng trước số phận, bằng ý chí và nghị lực, không ít NKT đã vươn lên trong học tập, lao động sản xuất.

Dạy nghề may cho người khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu (Khoái Châu)

Dạy nghề may cho người khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu (Khoái Châu)

“Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra” là niềm tin, sự lạc quan của em Nguyễn Thị Xuân Trang, người khiếm thị ở thị trấn Vương (Tiên Lữ). Vượt qua bóng tối, Xuân Trang đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại giỏi.

Trang tâm sự: Tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của gia đình, sự giúp đỡ của thầy, cô, bạn bè và sự trợ giúp của Hội Người mù tỉnh đã giúp em vượt qua mặc cảm, tự tin hơn và có thể làm chủ được cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Hiện giờ, Xuân Trang đã khởi nghiệp với cơ sở Massage vật lý trị liệu ở tỉnh Nghệ An. Mong rằng những cánh cửa mới sẽ giúp Xuân Trang sớm đạt được ước mơ của bản thân.

Cũng là người khiếm thị, chị Bùi Thị Huyền Mây ở xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) đã tìm kiếm được công việc phù hợp với bản thân, đó là nghề tẩm quất xoa bóp. Cơ sở dịch vụ tẩm quất xoa bóp của chị đang tạo việc làm cho 3 người khiếm thị với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Không may bị tai nạn giao thông, anh Phạm Văn Thao (xã Minh Hoàng, Phù Cừ) phải cưa cánh tay bên phải. Khi đó, anh suy sụp hoàn toàn, mặc cảm, tự ti với bản thân. Thế rồi, được sự chăm sóc, động viên của gia đình, bạn bè… anh đã dần lấy lại tinh thần. Bằng nghị lực, sự năng động của bản thân, từ sạp bán rau quả nhỏ lẻ, đến nay, vợ chồng anh đã có 2 cửa hàng bán rau quả lớn ở chợ đầu mối nông sản thị trấn Trần Cao (Phù Cừ). Cửa hàng của anh thuê thêm 3 lao động phụ giúp bán hàng. Mỗi tháng, trừ chi phí, thu nhập của gia đình anh đạt từ 50 đến 60 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 22 nghìn NKT. Những năm qua, các địa phương đã tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ để hưởng các chế độ trợ giúp xã hội theo quy định. Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo trợ giúp NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng dạng tật, hoàn cảnh của NKT. Những NKT nhẹ, có khả năng nhận thức, lao động được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm.

Khi có việc làm, nhiều NKT tự tin hòa nhập dựa trên khả năng của chính họ. Với NKT nặng, đặc biệt nặng hoặc không có nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng được trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 18.400 NKT nặng, NKT đặc biệt nặng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Ðặc biệt, tỉnh có thêm những chính sách đặc thù giúp NKT giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Nghị quyết số 536/2024/NQ-HÐND ngày 11/12/2024 của HÐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng cao hơn so với quy định của Trung ương cho một số nhóm đối tượng, trong đó có NKT đặc biệt nặng, NKT nặng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; NKT đặc biệt nặng. Cụ thể, mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho những đối tượng này từ 1.250.000 đồng đến 2.500.000 đồng/người/tháng theo mức độ khuyết tật, địa bàn cư trú… Cùng với đó, năm 2024, toàn tỉnh có 728 NKT chưa có thẻ bảo hiểm y tế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo chính sách riêng của tỉnh. Những chính sách ưu đãi dành cho NKT giúp NKT có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Nhiều hoạt động như: Thăm hỏi, tặng quà; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình… cho NKT được quan tâm thực hiện.

Hoàn cảnh của gia đình bà Lý Thị Bạt ở thôn Xuân Ðào, xã Lương Tài (Văn Lâm) rất éo le. Gia đình bà Bạt có 5 thành viên, trong đó có 4 NKT. Ðể giúp gia đình bà vơi bớt khó khăn, những năm qua, cán bộ xã đã tận tình hướng dẫn, hỗ trợ gia đình hoàn thành thủ tục đề nghị được trợ cấp xã hội hằng tháng. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương thường xuyên thăm hỏi, dành các phần quà tặng vào dịp lễ, tết. Năm 2025, gia đình bà được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây mới nhà ở do ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, tường nứt nhiều, mái ngói dột nát. Gần 700 NKT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật, sức khỏe, thể trạng. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng được thực hiện cao hơn mức quy định chung của Chính phủ.

Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đã tạo cơ hội để NKT được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Dù vậy, ở tỉnh vẫn còn không ít NKT có hoàn cảnh sống khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng; nhiều NKT còn tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Bởi vậy, để NKT hòa nhập cộng đồng tốt hơn cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp NKT cũng như sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội…

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tro-giup-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-3180477.html
Zalo