Đóa hướng dương rạng ngời tỏa sắc

'Dù thân thể khiếm khuyết, trái tim vẫn nguyên vẹn yêu thương và ý chí không bao giờ bị gãy', chị Võ Thị Diễm (sinh năm 1982, trú tại Tổ 72, Khu phố 9, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xem câu nói ấy như kim chỉ nam của cuộc đời mình, tiếp thêm động lực để chị vượt lên nghịch cảnh, vơi bớt tự ti, mặc cảm, quyết tâm thay đổi số phận theo chiều hướng tốt đẹp.

Chị Võ Thị Diễm gia công sản phẩm mây đan xuất khẩu.

Chị Võ Thị Diễm gia công sản phẩm mây đan xuất khẩu.

Không chùn bước

Chị Võ Thị Diễm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Lúc ba tuổi, biến cố ập đến với chị: một mụn nhọt nhỏ ở mép tai trái tưởng chừng bình thường lại thành ác tính, lan rộng khắp vùng má và tái phát liên tục gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dù hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, người mẹ của chị vì thương con nên đã đưa chị đi chạy chữa khắp nơi.

Chị Diễm bộc bạch: "Cứ mổ xong mụn lại di căn chỗ khác; đến sáu tuổi, mụn chạy xuống lưng, phình to đến mức phải nhập viện mổ gấp. Sau ca mổ ấy, bác sĩ thông báo rằng, tôi không thể đi lại bình thường được nữa. Đó là cú sốc tinh thần quá lớn đối với mẹ con tôi, như thể bầu trời sập ngay xuống trước mặt".

Có lẽ trước nghịch cảnh đó, nhiều người sẽ chấp nhận buông xuôi, sống trong mặc cảm, tự ti lẫn tuyệt vọng. Nhưng với chị Diễm lại khác. Chị chọn cách sống vươn lên bằng tất cả nghị lực của mình. Chị luôn tâm niệm “tàn nhưng không phế”.

Quyết tâm là vậy, nhưng chuỗi ngày sau đó quả thật quá gian nan với chị Diễm. Chị cho hay, để được đến trường học, chị phải dùng vải quấn ngang bụng che vết thương. Nhiều khi vết thương rỉ mủ, dính chặt vào áo, đau nhói khiến chị đành phải cắn răng chịu đựng. “Đau thể xác một thì đau tinh thần đến mười bởi bạn bè chứng kiến cảnh tượng ấy liền kì thị, xa lánh. Hết lớp 4, tôi đành phải nghỉ học để dì bán rau ngoài chợ, phụ giúp gia đình”, chị Diễm buồn bã kể lại.

Trong một lần vào Quy Nhơn điều trị, sau nhiều lần dò hỏi, chị Diễm chọn thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Thái Học để mở quán nước nhỏ tự thân kinh doanh. “Ông tơ bà nguyệt” cũng dẫn lối để chị gặp được nửa kia của mình. Sau khi kết hôn, chị chuyển về quê chồng tận Đắk Lắk sinh sống và sinh được hai người con gái. Đây được xem là bước ngoặt lớn, gia đình nhỏ đã mang đến cho chị Diễm cảm giác được đồng hành, sẻ chia, được bù đắp phần thiệt thòi, không còn thấy “lạc lõng” giữa bão dông cuộc đời.

Những tưởng hạnh phúc đó sẽ lâu bền nhưng biến cố lại xảy đến với chị lần thứ hai. Hôn nhân đổ vỡ do không nhận được sự yêu thương, thấu hiểu từ phía nhà chồng, chị đành đưa hai con trở về quê ở với mẹ già, khởi nghiệp lại từ con số “0” đúng nghĩa.

Làm chủ vận mệnh

Chị Võ Thị Diễm (ở giữa) cùng công nhân của cơ sở (đa phần là người khuyết tật, người cao tuổi) gia công sản phẩm mây đan xuất khẩu.

Chị Võ Thị Diễm (ở giữa) cùng công nhân của cơ sở (đa phần là người khuyết tật, người cao tuổi) gia công sản phẩm mây đan xuất khẩu.

Chị Diễm bày tỏ, ngọn lửa khởi nghiệp chưa bao giờ tắt trong chị nên ở độ tuổi ngoài 30, chị vẫn nung nấu ý định làm giàu. Hạ quyết tâm, năm 2017, chị vay 30 triệu đồng từ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn) để mua sắm trang thiết bị máy móc, ống hơi hành nghề gia công đan mây xuất khẩu tại nhà. Tuy nhiên, ước mơ đó chưa bao giờ là dễ với một người khuyết tật. Những ngày đầu, cơ thể yếu ớt khiến chị Diễm không thể giữ chặt lấy sợi mây, sản phẩm làm ra hỏng nhiều hơn hoàn thiện.

“Tiếp tục hay bỏ cuộc? Mình đang cố gắng bởi điều gì?....”, chị dằn vặt hằng đêm với những câu tự vấn bản thân. Cuối cùng, vì con, chị cố gượng dậy đối mặt, mạnh mẽ vượt qua hành trình đầy chông gai mà mình đã chọn. “Những người khuyết tật cũng xứng đáng như những người không khuyết tật để có một cuộc sống hạnh phúc và có ích”, chị luôn tự động viên mình như vậy.

Dần dà, cơ sở gia công đan mây xuất khẩu của chị Diễm nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ từ một số công ty quen biết. Họ sẵn sàng giao nguyên vật liệu (dây nhựa, khung sắt) mà không đòi hỏi chị phải cọc tiền trước. Ân tình ấy như một phép màu tiếp thêm sức mạnh, chắp cánh cho những dự định trong tương lai gần của chị thành hiện thực. Từng chiếc ghế đầu tiên ra đời, tuy còn chưa tinh xảo, bắt mắt nhưng cũng đủ làm hài lòng khách hàng.

Để phát triển lâu dài, bền vững, năm 2023, được sự giúp đỡ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nhơn Bình, chị Diễm mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Định để mở rộng quy mô cơ sở, đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp. Đối tác cũng ngày một nhiều hơn trước.

Chị Diễm phấn khởi cho biết, nhiều người trong xóm, đa phần là người khuyết tật, người nghèo, người cao tuổi… thấy cơ sở ngày càng ăn nên làm ra đã tìm đến học nghề, xin làm thêm.

Bà Phan Thị Đựng (85 tuổi) cho hay, do tuổi cao, sức yếu, bà không thể làm được việc nặng nhọc nên xin vào cơ sở của chị Diễm gia công mây đan. Nghề này khá nhẹ nhàng, mỗi tháng cũng cho bà nguồn thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng tùy theo số lượng sản phẩm làm ra. “Tôi đã gắn bó với cơ sở được 8 năm rồi và chưa có ý định xin nghỉ, bởi lẽ, “ngôi nhà hạnh phúc” này đã cho mọi người cơ hội sẻ chia, nương tựa lẫn nhau”, bà Đựng nói.

Hiện, cơ sở của chị Diễm đạt tổng doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, với mức lương bình quân dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định Hoàng Thị Thanh Nhã đánh giá, đối với người khuyết tật, để làm chủ kinh tế gia đình đã là điều khó, với phụ nữ khuyết tật lại càng khó gấp bội lần. Chị Diễm đã minh chứng cho những người cùng chí hướng thấy được một nghị lực phi thường, một “tinh thần thép” trong việc biến khó khăn thành hành động, tự tin vượt qua những khiếm khuyết, bất hạnh để vươn lên một cách đầy kiêu hãnh. Chị như đóa hoa hướng dương rạng ngời tỏa sắc dưới ánh mặt trời. Những tấm gương như chị Diễm quả thật hiếm có và đáng khâm phục.

Bài và ảnh: Lê Phước Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/doa-huong-duong-rang-ngoi-toa-sac-20250418120255235.htm
Zalo