Trợ cấp thất nghiệp thấp hơn lương tối thiểu, người lao động 'hụt hơi'

Bảo hiểm thất nghiệp được xem như 'phao cứu sinh' của người lao động, tuy nhiên thực tế là với số tiền trợ cấp ít ỏi, người lao động không đủ trang trải mức sống tối thiểu của bản thân và chăm lo cho gia đình khi mất việc.

Hỗ trợ cần đủ sống

Bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc, hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là mức hưởng thực tế quá thấp, không đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của người lao động sau khi mất việc. Chị Hoàng Thị Lan (35 tuổi, Hà Nội), từng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 4 tháng sau khi mất việc chia sẻ: “Lúc đó tôi chỉ nhận được khoảng 4 triệu đồng/tháng, chưa bằng nửa mức lương thực tế khi đi làm, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực Hà Nội khoảng 1 triệu đồng. Với mức 4 triệu thì người thất nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không đủ trang trải cuộc sống”.

Người lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, mức thấp nhất theo quy định của pháp luật. Cho nên, với một người lao động mức thu nhập thực tế đạt 10 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương tối thiểu vùng, khi rơi vào cảnh mất việc, người lao động nhận về mức trợ cấp không đủ sống.

Từ đầu năm 2025 đến nay, số lao động tại Hà Nội có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 19.600 người. Trung bình, người lao động được hưởng trợ cấp trong 6 tháng với mức hưởng bình quân 5,4 triệu đồng/tháng. Nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp dựa trên thu nhập thực tế, mức trợ cấp của người lao động sẽ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: “Mức cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang đi làm. Do đó, người lao động có mức trợ cấp thất nghiệp ở mức từ 2 - 4 triệu đồng rất thấp so với trang trải cuộc sống theo giá cả thị trường. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ là ngắn hạn. Việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề mới là chính sách cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp”.

Khó khuyến khích người lao động tái tham gia thị trường

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh những nội dung sửa đổi về chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài, phát triển kỹ năng nghề… dư luận đặc biệt quan tâm đến việc quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tiếp tục đề xuất giữ nguyên quy định về mức hưởng trợ cấp. Theo đó, mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc. Mức tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trước đó, khi phản biện về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị nghiên cứu, không quy định giới hạn tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc này để đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Bàn về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành công cụ quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Việc có trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động thất nghiệp có nguồn thu nhập hàng tháng, hỗ trợ cho họ trang trải sinh hoạt, duy trì cuộc sống trước khi tìm việc mới, giảm áp lực kinh tế cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp 60% tiền lương, song số tiền thực tế hưởng thì không cao. Với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 4 - 5 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp thất nghiệp nhận được khoảng 2 - 3 triệu/tháng, không thể trang trải được chi phí sinh hoạt. “Nếu không đủ trang trải thì người lao động sẽ tìm công việc tay chân như bán nước, xe ôm… để có thêm thu nhập chứ không thể đi học để đúng với trình độ, mong muốn của họ” - bà Hồ Thị Kim Ngân chỉ ra những khó khăn, bất cập.

Do đó, bà Ngân cho rằng việc sửa luật phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, theo hướng tốt hơn, minh bạch hơn. “Chưa tính đến mức hưởng 60% là cao hay thấp, vì cao hay thấp chúng ta phải so sánh với điều gì. Hiện chế độ ốm đau được hưởng 75%, chế độ thai sản được hưởng 100%, trong khi trợ cấp thất nghiệp chỉ được 60%. Số tiền người lao động được hưởng không đủ trang trải, trong khi chúng ta luôn nói rằng chế độ trợ cấp thất nghiệp là bù đắp một phần cho rủi ro trong quá trình lao động. Nhưng bù đắp phải đảm bảo một phần cuộc sống để họ có động lực, cơ hội quay lại thị trường. Nếu không tương xứng thì sẽ không hấp dẫn được người lao động”, bà Ngân nêu ý kiến.

Cần hài hòa giữa hỗ trợ người lao động, kiểm soát chi phí quỹ

Đánh giá chung về hiệu quả chính sách các chuyên gia cho rằng, quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự góp mặt của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã giúp hàng triệu người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì cuộc sống trong lúc chờ cơ hội việc làm mới.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Tỷ lệ này được cho là “không thấp”, nhưng do phần lớn người lao động chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ 3,4 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cả gia đình người lao động khi mất việc. Tuy nhiên việc điều chỉnh tăng mức hưởng phải dựa trên nguyên tắc cân đối quỹ: Muốn tăng mức hưởng, buộc phải tăng mức đóng. Không thể muốn tăng hưởng nhưng lại không tăng đóng.

Theo các chuyên gia, trợ cấp thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập, giúp người lao động duy trì cuộc sống trong thời gian chưa tìm được công việc mới… Để cải thiện mức hưởng trợ cấp, cần đưa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tiệm cận thu nhập thực tế của người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2009. Tính đến cuối năm 2024, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có số dư lũy kế hơn 64.300 tỷ đồng; khoảng 16 triệu lao động tham gia, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau hơn 15 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội còn hạn chế về độ bao phủ, phần lớn người lao động chỉ quan tâm đến nhận tiền trợ cấp mà chưa mặn mà với học nghề hay hỗ trợ việc làm. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục các khoảng trống này.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tro-cap-that-nghiep-thap-hon-luong-toi-thieu-nguoi-lao-dong-hut-hoi-post612709.antd
Zalo