Trợ cấp hưu trí xã hội: Lấp khoảng trống không lương hưu
Kể từ 1/7/2025, người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên không hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, nhằm đảm bảo an sinh.
Người dân mong đợi
Kể từ ngày 1/7/2025, người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên không hưởng lương hưu được trợ cấp hưu trí, theo đề xuất mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Cụ thể, theo Nghị định quy định chi tiết về trợ cấp hưu trí xã hội quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV ban hành ngày 29/6/2024, người từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Kể từ 1/7/2025, người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên không hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Ảnh: Ngô Hùng
Ngay khi bước vào năm 2025, năm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực, thông tin về trợ cấp hưu trí xã hội đang được dư luận quan tâm, đánh giá rất tích cực, đặc biệt đối với đối tượng thụ hưởng chính sách đang hết sức phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1954), ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội là lao động tự do, hiện dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày vào sáng sớm bà vẫn cùng con dâu bán hoa quả đầu ngõ để kiếm tiền, có thu nhập trang trải chi tiêu hàng ngày cho hai vợ chồng. Hàng tháng, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nên thu nhập bà dành dụm phòng khi ốm đau rất ít ỏi.
Mấy ngày nay, qua đài báo, bà Nguyễn Thị Hồng biết được thông tin mình thuộc diện được nhận trợ cấp hưu trí, nên rất phấn khởi và mong đợi. “Được biết, nhà nước rút ngắn độ tuổi hưởng hưu trí xuống 5 tuổi, đồng thời mức trợ cấp 500 nghìn đồng/tháng, dù không nhiều nhưng rất quý, với khoản trợ cấp này chúng tôi có thể trang trải chi phí sinh hoạt như điện, nước” - bà Hồng bày tỏ.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia cho thấy, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi, 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn. Đời sống của người cao tuổi tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện, tuy vậy, đa số họ không có tích lũy, thu nhập thấp.
Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, mức trợ cấp xã hội thấp, nhiều người cao tuổi gặp khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được hưởng trợ cấp xã hội.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.
Trước thực tế đó, trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Trần Lan Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương - cho hay, việc triển khai trợ cấp hưu trí với người cao tuổi không có lương hưu là quy định có những tác động tích cực, tiếp tục gia cố hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, chính sách kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, đặc biệt với những người không còn khả năng lao động, giảm tỷ lệ đói nghèo ở nhóm người cao tuổi.
Ngoài ra, theo luật sư Trần Lan Phương, chính sách sẽ góp phần giúp đảm bảo công bằng hơn trong hệ thống an sinh, không chỉ giới hạn ở nhóm có lương hưu. Giảm bớt áp lực tài chính cho con cháu khi chăm sóc cha mẹ già, người cao tuổi có thể duy trì cuộc sống độc lập hơn, hỗ trợ ổn định xã hội, giảm tình trạng người già bị bỏ rơi hoặc sống trong điều kiện bấp bênh.
Chính sách vì người dân
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nêu rõ, bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Như vậy, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, luật sư Trần Lan Phương nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là quy định mới, đột phá nhằm hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản.
Đặc biệt, đề cập đến việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ rõ, tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ là tăng mức hưởng, quyền lợi của người lao động nhưng không tăng mức đóng, trách nhiệm đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động. Việc tăng mức hưởng, quyền lợi cho người dân chủ yếu từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, đối với chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và quyền lợi về bảo hiểm y tế dành cho người từ 75 tuổi trở lên và người từ 70 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 sẽ có hơn 1,2 triệu người cao tuổi được thụ hưởng. Theo dự kiến, ngân sách nhà nước sẽ chi 4.000 - 5.000 tỷ đồng mỗi giai đoạn để thực hiện chính sách.
Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân. Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024, trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi.