Trình Thủ tướng quy hoạch sân bay Côn Đảo trong quý 2/2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, lập Quy hoạch cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2025…

Hành khách lên máy bay tại sân bay Côn Đảo - Nguồn: TTXVN.

Hành khách lên máy bay tại sân bay Côn Đảo - Nguồn: TTXVN.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 248/VPCP-CN ngày 9/1/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư sân bay Côn Đảo.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chấp thuận đầu tư xây dựng cảng hàng không Côn Đảo dựa trên báo cáo khả thi mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình bày.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể và chi tiết cho sân bay Côn Đảo và trình Thủ tướng trong quý 2/2025.

Trước đó, tại công văn số 18960/UBND-VP ngày 20/12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị nghiên cứu phương án quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo đảm bảo đủ tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế theo phương thức PPP (đối tác công tư).

Cụ thể, thực hiện đầu tư tổng thể toàn bộ dự án, bao gồm các công trình khu bay, các công trình bảo đảm hoạt động bay, các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng, các công trình dịch vụ hàng không, để có thể tiếp nhận được các loại máy bay cỡ lớn, thân rộng như A320, A321, Airbus A350, Boeing 787.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không Côn Đảo được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Với dòng máy bay ATR72, VASCO (công ty con của Vietnam Airlines) vẫn đang duy trì đường bay TP.HCM - Côn Đảo. Hành khách từ Hà Nội đi Côn Đảo thường sẽ phải nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục hành trình bằng máy bay ATR72 của VASCO.

Trước đây, hãng hàng không Bamboo Airways từng khai thác chặng bay này, nhưng đã dừng hoạt động từ tháng 4/2024.

Trên thực tế, đường bay đến Côn Đảo dù hút khách nhưng vẫn không đủ hấp dẫn với các hãng hàng không. Vấn đề chủ yếu đến từ tình trạng của sân bay Côn Đảo.

Sân bay này do người Pháp xây dựng vào thế kỷ 19, có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện, đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không Côn Đảo đã xuống cấp, khả năng chịu tải kém. Chiều rộng đường cất hạ cánh 30 m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác tàu bay code C, chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190/E195 giảm tải). Do đó, nếu khai thác đường bay này, các hãng sẽ phải tốn chi phí đầu tư một loại tàu bay mới, cộng thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy...

Số liệu của Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, có trên 396.000 lượt khách du lịch đến Côn Đảo, tăng 102,74% so với cùng kỳ, đem lại doanh thu trên 1.500 tỷ đồng. Ước tính, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 170 điểm đến du lịch; 14 tour tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí kết nối trung tâm tỉnh cũng như các khu vực của huyện Côn Đảo.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trinh-thu-tuong-quy-hoach-san-bay-con-dao-trong-quy-2-2025.htm
Zalo