Tết buồn của 53 hộ dân ở Bình Phước 'sống treo' vì dự án mỏ đá vôi Thanh Lương
Năm nay lại thêm cái Tết buồn với 53 hộ dân ở huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước có đất bị thu hồi bởi Dự án mỏ đá vôi Thanh Lương. Gần chục năm nay, nhiều hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ với muôn vàn khó khăn vì sự lần lữa thất hứa chi trả bồi thường của chủ đầu tư dự án.
Thu nhập 30 triệu đồng/tháng, nay phải đi làm thuê
Ấp Sóc Du, phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước là nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc S’Tiêng, trong số 53 hộ dân có đất bị thu hồi bởi Dự án mỏ đá vôi Thanh Lương, thuộc xã An Phú và Minh Tâm, huyện Hớn Quản.
Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, không khí tại đây vắng lặng lạ thường, chỉ toàn người lớn tuổi, trẻ nhỏ ở nhà. Bởi phần đông người trẻ đều đi làm tại các khu công nghiệp ở khu vực lân cận. Thi thoảng mới có chiếc xe máy vụt qua khiến bụi đất đỏ bay mù mịt, bao trùm cả xóm.
Ông Điểu Đanh (SN 1966, ngụ ấp Sóc Du) - một trong 17 hộ khác trong xóm bị ảnh hưởng bởi dự án này cho biết, trước đây cuộc sống của họ chủ yếu bám vào nương rẫy ở ấp An Tân, xã An Phú, huyện Hớn Quản. Gọi là nương rẫy nhưng phần lớn họ đều trồng cây lâu năm như: cao su, tiêu, điều…cho thu nhập ổn định.
Từng “sống khỏe” với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng từ hơn 2 hecta vườn cao su, thế nhưng từ khi “nhường đất” để Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên thực hiện dự án mỏ đá vôi Thanh Lương, cuộc sống gia đình ông Đanh gặp nhiều khó khăn vì chưa nhận được tiền bồi thường và mất kế sinh nhai. Ở cái tuổi làm ông ngoại, nhưng hằng ngày ông Điểu Đanh vẫn phải đi làm thuê, làm muớn để trang trải cuộc sống.
"Bây giờ mỗi ngày tôi đi làm mướn cho người ta thôi. Trước đây có vườn cao su đang cho khai thác mủ thì cuộc sống cũng đỡ khổ, thu nhập mỗi tháng cũng được 30 triệu đồng, nên làm ăn, sinh sống cũng khỏe. Sau này từ năm 2017 Công ty xi măng Hà Tiên thu hồi đất, không cho trồng cây mới, cao su cũ khai thác tận thu đã hư hỏng, mất nguồn thu nên phải đi làm thuê làm mướn. Giờ cuộc sống rất cực khổ, phải đi làm thuê mới có cái ăn hằng ngày" - ông Đanh cho biết.
Tương tự, hơn 7 sào đất rẫy ở ấp An Tân, xã An Phú, huyện Hớn Quản cũng là sinh kế duy nhất của gia đình chị Thị Gion (SN 1989, ngụ ấp Sóc Du). Thấy 59 hộ trong khu vực được bồi thường đợt 1 vào năm 2017, tin lời hứa sẽ sớm nhận bồi thường trong đợt 2, gia đình chị Gion chẳng còn mặn mà chăm sóc vườn tược. Không có nguồn thu vì cây trồng lâu ngày không được chăm sóc trở nên hoang hóa, vợ chồng chị Gion phải đi làm thuê đủ nghề để nuôi các con đang tuổi ăn học.
Đáng buồn hơn, việc dự án chậm chi trả bồi thường không chỉ gây xáo trộn cuộc sống của mỗi gia đình chị Gion, mà cả cha mẹ và các anh chị em ruột chị Gion cũng phải sống trong cảnh tạm bợ với muôn vàn khó khăn. Bởi ai cũng có đất bị thu hồi.
Chị Gion chia sẻ rất bức xúc khi cả gia đình ai cũng bị thu hồi đất, nhưng tiền bồi thường thì không thấy mà cứ hứa hẹn từ năm này đến năm khác. Bây giờ cha mẹ, anh chị em ruột chị Gion ai cũng khó khăn như ai, không biết bám víu, xoay xở nhờ ai. Hiện chỉ biết làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Có đất mà không thể làm ăn gì được vì nhà nước không cho trồng mới cây cối nên chị bức xúc.
Lần lữa thất hứa
Theo các hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án mỏ đá vôi Thanh Lương, phía Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên từng nhiều lần hứa hẹn chi trả bồi thường song không thực hiện. Lần gần nhất trả lời báo chí, phía chủ đầu tư dự án cũng hứa sẽ hoàn thành việc bồi thường vào tháng 12/2024, chậm nhất là đầu năm 2025, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”, khiến người dân mất niềm tin.
Ấp ủ dự định khi nhận tiền bồi thường hơn 550 triệu đồng cho hơn 7.000m2 đất sẽ sửa sang nhà cửa, mua mảnh đất khác có đường, điện để thuận tiện hơn. Thế nhưng, gần chục năm nay, gia đình ông Điểu Đu (SN 1969, cùng ngụ ấp Sóc Du) vẫn chưa thoát khỏi cảnh khốn khổ, sống tạm bợ trong căn nhà tường gạch đã xuống cấp vì sự lần lữa thất hứa chi trả bồi thường của Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên.
"Nghĩ bụng là sẽ thoát khỏi cảnh sống không đường, không điện khi bị thu hồi đất và được bồi thường hơn 500 triệu đồng. Bởi nghe chính quyền cấp huyện, xã họ thông báo là thu hồi, kiểm đếm tài sản trên đất nên tôi tin đó là sự thật. Thế nhưng, khi gia đình tôi chặt phá hết cây cối để bàn giao đất cho Nhà nước thì chờ mãi không thấy tiền bồi thường" - ông Điểu Đu tâm sự.
Từ một hộ khá giả, gia đình ông Chữ Văn Hoan (xã Thanh Lương, thị xã Bình Long) trở thành hộ nghèo của địa phương vì ông mắc bệnh ung thư máu. Tết đang cận kề nhưng gia đình ông Hoan vẫn chưa buồn mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Bởi trong ông luôn thường trực nỗi lo, gánh nặng tiền thuốc men khoảng 25 triệu đồng mỗi tháng.
Đất đai không thể canh tác, sức khỏe già yếu không làm ra tiền, nay thêm bệnh hiểm nghèo, hơn ai hết gia đình ông Hoan rất cần sự can thiệp của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để sớm nhận được tiền bồi thường, ổn định cuộc sống và chi trả các khoản chi phí y tế.
'Tôi bị bệnh ung thư máu 5 năm rồi, một tháng tiền thuốc của tôi hết 24 - 25 triệu đồng. Nói chung kinh tế gia đình tôi giờ cũng rất kiệt quệ, không còn cái gì để mà trang trải nữa. Mà đất cát bây giờ dính quy hoạch dự án bán cũng chẳng ai mua, mà thế chấp cũng chẳng ai cho mượn. Thế mà họ cứ hứa hẹn năm này qua năm khác. Mới đây tôi thấy phía Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên hứa với người dân, với báo chí là sẽ trả tiền thế này thế khác. Ấy mà đến giờ dân chúng tôi vẫn cứ chờ. Đến giờ nói thật cái niềm tin của người dân với phía Xi măng Vicem Hà Tiên không còn nữa" - ông Chữ Văn Hoan nói.
Dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương ở huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, Bình Phước được phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2011. Sau khi bồi thường xong đợt 1 năm 2017, chủ đầu tư dự định bồi thường đợt 2 cho 53 hộ dân còn lại ở huyện Hớn Quản nhưng đến nay việc này vẫn dậm chân tại chỗ khiến người dân rất bức xúc và gây lãng phí lớn.
Một cái Tết đang cận kề, nhưng có lẽ năm nay tiếp tục là cái Tết buồn với 53 hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án mỏ đá vôi Thanh Lương.
Dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương có tổng diện tích là 254,21 hecta nằm trên địa bàn hai huyện Lộc Ninh và huyện Hớn Quán. Diện tích chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án là 247,73 hecta. Ước tính tổng chi phí bồi thường GPMB là hơn 162,48 tỷ đồng.
Hội đồng Bồi thường huyện trình UBND huyện Lộc Ninh phê duyệt Quyết định số 3653/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh cho 9 hộ dân với số tiền hơn 19,9 tỷ đồng. Và Vicem Hà Tiên cũng đã chuyển tiền để huyện thực hiện chi trả cho người dân.
Tại huyện Hớn Quản, dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương ảnh hưởng đến 112 hộ dân tại xã An Phú và xã Minh Tâm. Nhưng đến nay, mới chỉ có 59 hộ dân gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương với tổng số tiền là hơn 41,6 tỷ đồng. Còn 53 hộ dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, bồi thường.