Trình Quốc hội nghị quyết tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân

Chiều 14/5, tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối tuần này, với nỗ lực cao nhất tạo bước đột phá mạnh mẽ cho khu vực kinh tế quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh)

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết và cơ sở chính trị, thực tiễn của việc ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện dự thảo chỉ trong 10 ngày sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Dự thảo Nghị quyết thể hiện tư duy đột phá, chuyển từ quản lý kiểm soát sang kiến tạo và phục vụ, tránh can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đồng hành cùng khu vực tư nhân trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phù hợp với các quan điểm mới được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 và Nghị quyết 68-NQ/TW.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận nhấn mạnh vai trò của nguồn lực tài chính trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, bao gồm đầu tư hạ tầng, miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như chính sách miễn thuế; mặt khác các đối tượng thụ hưởng chính sách cần được rà soát kỹ lưỡng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề xuất tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, thay vì ôm đồm tất cả nội dung trong một Nghị quyết; và nhấn mạnh cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh rủi ro, bảo đảm sự hài hòa và cân bằng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Nghị quyết sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ về định hướng phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời là kim chỉ nam cho việc sửa đổi các luật liên quan trong thời gian tới. Các nội dung về trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo sự thông thoáng và minh bạch hơn.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ưu tiên thanh tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, giảm thiểu thanh tra trực tiếp và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đặc biệt, trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân, giữa các loại trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự được phân định rõ ràng.

Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/5. (Ảnh DUY LINH)

Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/5. (Ảnh DUY LINH)

Đối với các vi phạm dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng biện pháp khắc phục thay vì xử lý hình sự, đồng thời không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính trong việc chuẩn bị dự thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo ngay trong tối 14/5 để gửi tới các đại biểu Quốc hội qua ứng dụng thông tin của Quốc hội, sẵn sàng cho phiên thảo luận ngày 15/5.

Với tinh thần khẩn trương và quyết tâm, Nghị quyết này không chỉ thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng mà còn tạo động lực mạnh mẽ để huy động và giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu tài liệu trong tối nay để sáng mai gửi lại cho Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan thẩm tra vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để khi thông qua và thực thi Nghị quyết sẽ được dư luận xã hội đồng thuận cao.

Phải thay đổi tư duy Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát, là yêu cầu đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần; tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý-kiểm soát" sang "kiến tạo-phục vụ".

Nhà nước không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trinh-quoc-hoi-nghi-quyet-tao-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post879691.html
Zalo