Trình Quốc hội duyệt dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 4 làn xe với hơn 43.700 tỷ đồng
Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài 125km, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng.
Sáng 19/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Tạo động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai đầu tư tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến cao tốc trục ngang Đông Tây.
Đơn cử như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là có thể đặt ra.
Theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 16.000 - 23.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh (Ảnh: Media Quốc hội).
Do vậy, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Về phạm vi đầu tư, dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.
Dự án đi qua địa phận Thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và Thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Quy mô đầu tư 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m. Tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế Vtk là 100 km/h.
Ông Minh cho biết, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 189,92 ha (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31 ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khoảng 43.734 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư hơn 4.890 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 30.800 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 5.500 tỷ đồng…

Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài 125km, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho dự án từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chia dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thành 2 dự án thành phần gồm:
Dự án thành phần 1 qua tỉnh Bình Định dài khoảng 40km, tổng mức đầu tư khoảng 18.054 tỷ đồng. Dự kiến UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1.
Dự án thành phần 2 qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85km, tổng mức đầu tư khoảng 25.680 tỷ đồng. Dự kiến UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 2.
Để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.
Phân chia dự án thành phần cần phù hợp với chủ trương sáp nhập tỉnh
Thẩm tra, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 2 dự án thành phần, theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu phương án phân chia dự án thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhập tỉnh, năng lực quản lý của địa phương, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của toàn bộ dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).
Ủy ban Kinh tế - Tài chính cũng đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án.
Trong giai đoạn 2026 - 2030 có rất nhiều dự án lớn đồng thời được triển khai cũng được đề xuất sử dụng các nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Do đó, Ủy ban Kinh tế - Tài chính đề nghị Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo cân đối tổng thể các nguồn dự kiến phân bổ cho các dự án trong 2 giai đoạn, tránh việc chồng lấn nguồn kinh phí dự kiến và khi triển khai thực hiện không bảo đảm khả năng huy động và chi trả. Đồng thời, cần tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.