GDP Việt Nam dự kiến vượt 500 tỷ USD năm nay
Sáng 12/2, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%.
![Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_119_51454808/dd1a39cb0e85e7dbbe94.jpg)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Sáng 12/2, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, cao hơn mức 6,5-7% được Trung ương và Quốc hội quyết nghị.
Đề án này nhằm tạo nền tảng để hướng tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Quy mô GDP vượt 500 tỷ USD năm 2025
Chính phủ đánh giá năm 2025 có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức sẽ có những thời cơ mới xuất hiện để nắm bắt, khai thác cho tăng trưởng và phát triển.
Năm 2025 còn là cột mốc quan trọng, đánh dấu hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025; chuẩn bị cho Chiến lược 10 (2021-2030). Đây là giai đoạn tăng tốc, bứt phá vì thế chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
“Trong bối cảnh này, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên để tạo nền tảng vững chắc cho tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng trình bày kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mục tiêu GDP đạt 8% trở lên. Trong đó công nghiệp - xây dựng tăng ít nhất 9,5% (với công nghiệp chế biến, chế tạo từ 9,7% trở lên); dịch vụ tăng trên 8,1%; nông - lâm - thủy sản tăng từ 3,9%. Các khu vực kinh tế dự kiến tăng cao hơn 0,7-1,3% so với năm 2024, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2025, quy mô GDP dự kiến trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng).
Cùng với đó đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Trên cơ sở Đề án này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu về tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5-5%; trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện sẽ gồm hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…
Kiểm soát lạm phát phù hợp với tăng trưởng
Trình bày báo cáo thẩm tra đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Về chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5-5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi được Quốc hội quyết định, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_119_51454808/3e99d448e3060a585317.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội với các giải pháp linh hoạt theo tình hình thực tế.
Phải bám sát mục tiêu tăng trưởng, xác định lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm trong xây dựng và trình Quốc hội các luật, nghị quyết nhằm đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc cho tăng trưởng bền vững năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, cần đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trước diễn biến kinh tế, chính trị thế giới; có giải pháp cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và điều chỉnh các chỉ tiêu CPI, bội chi, nợ công; khai thác tối đa lợi thế từ 17 FTA đã ký, thúc đẩy ký kết thêm các hiệp định thương mại tự do với thị trường mới, có tiềm năng.
Việc chuyển dịch thương mại và công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn phải được theo dõi chặt chẽ để tận dụng cơ hội và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần triển khai thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong các lĩnh vực này, nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải đảm bảo không gây gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.