Triều Tiên qua lời kể du khách Mỹ

Justin Martell (37 tuổi) vừa trở thành người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên sau 5 năm, kể từ khi quốc gia này đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19.

 Justin Martell đứng trước Đài tưởng niệm lớn Đồi Mansudae trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: Young Pioneer.

Justin Martell đứng trước Đài tưởng niệm lớn Đồi Mansudae trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: Young Pioneer.

Justin Martell (37 tuổi, người Mỹ) là nhà sáng lập Pioneer Media - công ty chuyên ghi lại hình ảnh các địa điểm độc đáo và khó tiếp cận trên thế giới. Anh đến Triều Tiên tổng cộng 11 lần, bất chấp nhiều lệnh cấm do căng thẳng chính trị giữa 2 quốc gia.

Ngày 13/2, Martell cùng đoàn lữ hành đến Triều Tiên 5 ngày nhằm khảo sát các tour du lịch mới. Anh cũng là người Mỹ đầu tiên trở lại Triều Tiên từ khi quốc gia này đóng cửa do dịch Covid-19, theo CNN.

Đến hiện tại, các quy định về Covid-19 đã được nới lỏng, nhưng chính quyền và người dân Triều Tiên vẫn e ngại về dịch bệnh. Các biện pháp y tế nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ vẫn được thực hiện thường xuyên tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng.

Từ năm ngoái, Triều Tiên bắt đầu mở cửa biên giới đón khách, Nga trong khi công dân Mỹ vẫn không được phép nhập cảnh quốc gia này.

Bất chấp lệnh cấm, Martell quyết tâm trở lại bằng cách xin quốc tịch kép qua chương trình nhập tịch theo diện đầu tư vào Saint Kitts và Nevis - đảo quốc thuộc vùng Caribbean.

Theo đó, Martell sẽ đóng một khoản tiền 6 con số (hàng trăm nghìn USD) vào quỹ Sustainable Island State Contribution (SISC) của quốc đảo, chờ một năm làm thủ tục, kiểm tra lý lịch, chứng minh tài chính. Sau đó, anh sẽ được cấp hộ chiếu thứ 2, hợp pháp để đến Triều Tiên.

"Chi phí làm hộ chiếu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, lên tới 250.000 USD. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy khoản tiền này xứng đáng", Martell nói.

 Martell đứng trước một tấm biển với nội dung "Chủ nghĩa xã hội muôn năm!" ở Rason ngày 16/2. Ảnh: Young Pioneer.

Martell đứng trước một tấm biển với nội dung "Chủ nghĩa xã hội muôn năm!" ở Rason ngày 16/2. Ảnh: Young Pioneer.

Đoàn khảo sát đến Triều Tiên vào 13/2. Đồng hành với Martell còn có Rowan Beard, hướng dẫn viên người Australia với hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn tour đến Triều Tiên, và Gergo Váczi từ Hungary, người đứng đầu các tour du lịch Triều Tiên của công ty du lịch Koryo Tours ở Anh.

Chia sẻ với CNN, Váczi chia sẻ hoạt động ở Rason còn khá "hạn chế và tẻ nhạt".

"Đặc khu này có nhiều nhà máy và trường học, không có thị trường buôn bán sôi nổi", Vaczi cho biết. Tuy nhiên, đã có một số thay đổi đáng chú ý, chẳng hạn quy định chụp ảnh trở nên thoải mái hơn nhiều so với trước đây vốn rất nghiêm ngặt.

Người dân Triều Tiên chào đón đoàn du khách, video được Martell ghi lại. Ảnh: Young Pioneer.

Người dân Triều Tiên chào đón đoàn du khách, video được Martell ghi lại. Ảnh: Young Pioneer.

Rowan Beard cho rằng chuyến đi đánh dấu cột mốc quan trọng sau 5 năm Triều Tiên đóng cửa biên giới do Covid-19. Tuy nhiên, một số hoạt động du lịch còn bị hạn chế và các công ty lữ hành đang làm việc với chính quyền địa phương để mở cửa đón khách.

Đoàn khảo sát đã đề xuất đưa rạp chiếu phim vào các điểm trải nghiệm. Triều Tiên đang phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với các bộ phim đang được chiếu tại rạp như 72 Hours có nội dung về chiến tranh Triều Tiên và One Day and One Night.

Khi đến thăm một trường học địa phương, Martell nhận thấy trẻ em Triều Tiên rất quan tâm đến âm nhạc, thể thao và cuộc sống ở Mỹ. "Bọn trẻ muốn kết nối hơn là quan tâm đến chính trị", Martell nói.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/trieu-tien-qua-loi-ke-du-khach-my-post1532930.html
Zalo