Triều Tiên đã mở rộng chương trình hạt nhân 'theo cấp số nhân'

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển ở mức cấp số nhân và đang 'vượt ngoài tầm kiểm soát'.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã mở rộng “theo cấp số nhân”, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường năng lực quân sự trên diện rộng.

Mặc dù chưa được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Triều Tiên vẫn đơn phương tuyên bố vị thế này. Bình Nhưỡng đã rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2003 và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.

Ngày 22/4 vừa qua, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – ông Rafael Grossi cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển ở mức "cấp số nhân", trong khi cộng đồng quốc tế hầu như không có bất kỳ thông tin nào về các hoạt động của nước này. Theo ông, Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 50 đầu đạn hạt nhân.

"Chúng ta không thể để một quốc gia sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn như vậy, với một chương trình quy mô lớn hoàn toàn vượt ngoài kiểm soát, cùng hàng loạt cơ sở tầng hạt nhân mà chúng ta lại gần như không có thông tin chính thức về các biện pháp an toàn hay kiểm soát an ninh tại các cơ sở này.” ông Grossi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở Washington D.C.

Hwasong 12 đang diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Newsweek

Hwasong 12 đang diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Newsweek

Lâu nay, Liên Hợp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song các biện pháp này phần lớn không đạt hiệu quả. Nga đã phủ quyết một nghị quyết của LHQ hồi tháng 3 năm 2024, vốn nhằm duy trì cơ chế giám sát của các chuyên gia đối với việc thực thi trừng phạt Bình Nhưỡng.

Các thanh sát viên của IAEA đã bị trục xuất khỏi Triều Tiên vào tháng 4 năm 2009, khi Bình Nhưỡng thông báo sẽ “ngừng hợp tác ngay lập tức” với cơ quan này.

Tuy nhiên, theo ông Grossi, IAEA vẫn có nhận định khá rõ ràng về những gì đang diễn ra. Ông cho biết, kể từ khi IAEA rút khỏi Triều Tiên, nước này đã xây thêm các cơ sở hạt nhân mới trên khắp đất nước, bao gồm cả một cơ sở làm giàu uranium thứ ba.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã công bố việc chế tạo một tàu ngầm tên lửa dẫn đường chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân .

Triều Tiên cũng đã phóng thành công vệ tinh do thám vào tháng 11/2023 và nhanh chóng tuyên bố thu được hình ảnh “chi tiết” về các cơ sở nhạy cảm của Mỹ như Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và căn cứ tàu sân bay hạt nhân.

Mặc dù IAEA không thể trực tiếp tiếp cận nhưng ông Grossi vẫn tiếp tục kêu gọi đối thoại chủ động với Triều Tiên. Ông từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với AP rằng: “Chúng ta phải mở ra cánh cửa cho đối thoại.”

Trong khi đó, có nhiều đồn đoán rằng chính quyền ông Trump có thể tìm cách khôi phục các kênh đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sẽ không mặn mà với các đề xuất từ phía Mỹ. Cho đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tập trung vào vấn đề Triều Tiên, mà ưu tiên đạt được lệnh ngừng bắn ở Trung Đông, một thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine, và đàm phán hạt nhân với Iran.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trieu-tien-da-mo-rong-chuong-trinh-hat-nhan-theo-cap-so-nhan-post1194399.vov
Zalo