Triều Nguyễn đo ruộng đất ở Nam kỳ Lục tỉnh năm nào?
Chính sách khẩn hoang của Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã chuẩn bị và tạo điều kiện cho sự ra đời của công điền công thổ.
Vấn đề tôi quan tâm nhất trong công trình nghiên cứu của tác giả là phân định tiến trình lịch sử của chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ làm hai giai đoạn, lấy năm 1836 làm ranh giới.
Năm 1836, lần đầu tiên triều Nguyễn tiến hành đo đạc ruộng đất Nam kỳ, lập địa bạ và thiết lập chế độ công điền công thổ. Theo tác giả, trước đó, trong các thôn ấp do lưu dân khẩn hoang lập nên, chỉ có tư điền, không có công điền công thổ mà chỉ có một số bổn thôn điền thổ được coi như ruộng đất chung của làng và đối với nhà nước vẫn thuộc ngạch tư điền thổ, coi như của riêng của làng.
Như vậy, có một thời kỳ từ cuối thế kỷ XVI đến năm 1836, vùng Đồng Nai - Gia Định chỉ có chế độ tư hữu ruộng đất và nông thôn gồm những thôn ấp dựa trên chế độ sở hữu ruộng đất này.
Đấy là một kết cấu kinh tế - xã hội khác với các vùng khác và chính nó đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của Đồng Nai - Gia Định.
Tôi nghĩ rằng, đó là một luận điểm rất đáng lưu ý của tác giả. Nhưng triều Nguyễn, bằng việc đo đạc điền thổ, lập địa bạ năm 1836, đã thiết lập chế độ công điền công thổ trong các thôn ấp Nam kỳ. Trước đó, theo tác giả, chính sách khẩn hoang của Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã chuẩn bị và tạo điều kiện cho sự ra đời của công điền công thổ.
Chủ trương của triều Nguyễn là gia tăng và củng cố chế độ công điền công thổ của các thôn ấp Nam kỳ bằng nhiều chính sách và biện pháp như mở rộng đồn điền và dinh điền, chuyển đồn điền thành công điền, chuyển một số ruộng đất như ruộng đất bổn thôn đồng canh, dân cư thổ, ruộng hoang... thành công điền công thổ và vận động một số địa chủ nhiều ruộng nộp một phần tư điền làm công điền.
Từ đó, công điền công thổ trong các thôn ấp ở Nam kỳ có xu hướng tăng lên, làm cho kết cấu kinh tế - xã hội nông thôn thay đổi theo hướng không có lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Theo tác giả, đấy là một chuyển hướng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Nam kỳ Lục tỉnh. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là một đề xuất mới của tác giả cần được lưu ý.
Như vậy là Đàng Trong đã có hai vùng với hai xu hướng phát triển khác nhau về chế độ sở hữu ruộng đất.
Vùng Thuận Quảng với chính sách khẩn hoang lập làng thế kỷ XVI - XVII, tất cả ruộng đất khai khẩn được đều coi là công điền công thổ của thôn ấp và từ năm 1669, chính quyền mới chấp nhận ruộng đất do các gia đình khai khẩn thêm được coi là tư điền dưới tên gọi là “bản bức tư điền”. Ở đây, công điền công thổ xuất hiện trước và ngự trị, từ năm 1669 mới có thêm tư điền thổ.
Trái lại, ở Đồng Nai - Gia Định - Nam kỳ Lục tỉnh, chế độ tư hữu ruộng đất xuất hiện trước và tồn tại, từ năm 1836 chế độ công điền công thổ mới được chính thức thiết lập.
Kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã đặt lại một số vấn đề buộc các nhà khoa học phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình. Trước đây, khi viết về chế độ ruộng đất ở Nam kỳ, nhiều người cho rằng chế độ công điền công thổ ở vùng này rất nhỏ bé và có xu hướng thu hẹp dần trước sự phát triển của kinh tế hàng hóa.
Người ta thường dẫn một số liệu điều tra của Yves Henry trong Kinh tế nông nghiệp ở Đông Dương (Économie agricole de l’Indochine) xuất bản năm 1932 cho biết công điền công thổ ở Nam kỳ chỉ có 3%, trong lúc ở Trung kỳ 25% và Bắc kỳ 21%. Nghiên cứu kho địa bạ Nam kỳ Lục tỉnh (còn thiếu khoảng hơn 100 thôn ấp, địa bạ bị thất lạc), anh Nguyễn Đình Đầu cho chúng ta những số liệu mới về tình hình phân bố ruộng đất ở vùng này vào năm 1836.
So với toàn bộ diện tích ruộng đất, tư điền thổ chiếm tỷ lệ 92,16%, loại ruộng đất trong địa bạ ghi là công điền công thổ chiếm tỷ lệ 3,50%. Nhưng theo quy định của triều Nguyễn thì loại ruộng đất bổn thôn đồng canh và dân cư thổ cũng được xếp vào công điền công thổ và do đó, tỷ lệ công điền công thổ lên đến 7,83%.
Cho đến khi Pháp chiếm Nam kỳ, do các biện pháp gia tăng công điền công thổ của triều Nguyễn, tác giả phỏng tính tỷ lệ này có thể lên đến 25%. Đây là tỷ lệ phỏng tính có độ xác suất của nó mà bản thân tôi còn hoài nghi, nhưng xu hướng gia tăng của công điền công thổ dưới triều Nguyễn thì đã được tác giả chứng minh.