Triển vọng xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Mỹ
Trong 10 tháng năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch thương mại 2 chiều của cả năm ngoái. Đây là con số tăng trưởng tích cực, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu (XK) lớn như rau quả kỳ vọng XK sang Mỹ trong giai đoạn tới đây thuận lợi, bởi đây là thị trường có sức tiêu dùng hàng hóa cực lớn, với hơn 300 triệu dân.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 26/11, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Công ty Mekong) cho biết, xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ có nhiều triển vọng và tăng trưởng khả quan.
Như với trái dừa, Công ty Mekong đã có 8 năm xây dựng thương hiệu tại thị trường Mỹ, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, giá bán năm 2024 cũng tăng hơn so với năm 2023. Hiện, đang vào mùa thấp điểm nhưng mỗi tháng đều có container dừa xuất sang Mỹ. Năm 2024 dự kiến đạt khoảng 100-120 container XK sang Mỹ, trung bình 1 container đạt khoảng 30.000 USD.
Với tốc độ tăng trưởng khả quan như hiện nay, năm 2025, Công ty Mekong dự tính tăng trưởng thêm 20%, đạt từ 120- 150 container. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, công ty tiếp tục đầu tư cho vùng trồng, xây dựng kho trữ hàng và băng truyền tự động. “Dừa Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng vì chất lượng ổn định, ngon, mát, giá thành cạnh tranh”, ông Thuật nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng Giám đốc Vina T&T group cho biết, tại Mỹ, nông sản Việt, đặc biệt là dừa, bưởi và trái cây, ngày càng được ưa chuộng, hứa hẹn mở rộng quảng bá và tăng trưởng trong tương lai. Qua các chuyến công tác tại Mỹ gần đây, T&T đã kết nối, ký kết được nhiều hợp đồng trong việc cung ứng các loại trái cây Việt vào thị trường Mỹ. Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ lựa chọn mua nông sản Việt và mức giá của rau quả Việt Nam tại Mỹ cũng rất cạnh tranh, tiêu thụ tốt hơn nên nhà mua hàng cũng đặt nhiều hơn. XK rau quả sang Mỹ khó, đòi hỏi nhiều tiêu chí kỹ thuật, song nếu đã đáp ứng được thì đơn hàng sẽ rất tốt. Năm 2024 doanh thu dự kiến tăng 30% so với năm 2023. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, công ty tiếp tục tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh như: Bưởi, dừa, sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, và năm 2025 doanh thu dự kiến tăng 20%.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch nhập khẩu rau quả là 2,1 tỷ USD, XK rau quả đạt 6,6 tỷ USD. Như vậy, rau quả xuất siêu gần 4,5 tỷ USD, trong đó sầu riêng chiếm khoảng 40-45% kim ngạch XK rau quả. Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch XK rau quả sang thị trường Mỹ ước đạt gần 287 triệu USD, tăng mạnh 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong top các thị trường XK rau quả chủ lực của Việt Nam, Mỹ đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, XK rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 9/2024 đạt 27,1 triệu USD, giảm 27,3% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 29,1% so tháng 9/2023; Lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 254,2 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 4,5%.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng cho rằng, Mỹ là nước tiêu thụ chính các sản phẩm từ dừa, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chế biến từ dừa như nước dừa, dầu dừa và bột dừa. Mỹ nhập khẩu một lượng lớn dừa quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dừa tươi của Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 tại thị trường Mỹ vì giá rẻ, trái to, ngon. Ngoài ra, các sản phẩm từ dừa của Việt Nam cũng được bán nhiều ở Mỹ như dầu dừa, bột béo, nước dừa chế biến.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 8 tháng năm 2024, Mỹ đã chi 3,94 triệu USD để nhập khẩu 3.860 tấn dừa của nước ta. So với cùng kỳ năm ngoái, dừa tươi Việt Nam được Mỹ nhập khẩu tăng đột biến 1.156%, giá trị tăng 933,6%. Nhờ đó, thị phần dừa Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 0,76% trong 8 tháng năm 2023 lên 8,59% trong 8 tháng năm 2024.
Lý giải về mức tăng trưởng này, ông Khoa cho rằng, do hiệu ứng domino từ thư chấp thuận của hải quan Mỹ cho nhập khẩu dừa tươi Việt Nam, dù còn nhiều điều kiện khắt khe, về chất lượng, minh bạch, an toàn... song doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng được và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn thị trường Mỹ làm mục tiêu, do lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, thị trường tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều rủi ro và khó khăn về logistics.
Để XK bền vững vào thị trường Mỹ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và quan tâm xây dựng thương hiệu. Hiện, các thị trường lớn như Mỹ ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã, cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. D
o đó, để duy trì chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp XK cần chú trọng quy trình chọn lựa, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, giá cạnh tranh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp, nhà vườn cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng quy trình sản xuất, liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung ổn định và chất lượng phục vụ nhu cầu XK. Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thay đổi chất lượng để đồng bộ. Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm trái cây Việt.