Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế thế giới
Trong sự kiện được tổ chức bên lề hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra nhận định, nền kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, vượt qua đánh giá ban đầu vào năm 2023.
Bức tranh kinh tế được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn, song vẫn còn không ít những thách thức trong quá trình chuyển giao từ năm 2023 sang 2024, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị có thể tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến áp lực giá tăng và tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điểm sáng trong bức tranh
Nhận định của người đứng đầu IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới chứng kiến những dấu hiệu phục hồi vững chắc hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố báo cáo định kỳ về các điều kiện kinh tế, còn được gọi là Sách Beige (Beige Book), trong đó chỉ ra rằng, nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục giữ vững ổn định những tuần gần đây, nhờ chi tiêu tiêu dùng giúp bù đắp cho sự yếu kém trong các lĩnh vực khác như sản xuất.
Đặc biệt, chi tiêu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ cuối năm vừa qua đáp ứng kỳ vọng ở hầu hết khu vực FED khảo sát, trong đó khu vực New York tăng vượt kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ thái độ lạc quan trước triển vọng FED hạ lãi suất thời gian tới. Theo FED, các doanh nghiệp ghi nhận áp lực lạm phát đã giảm bớt, trong đó sự nhạy cảm về giá tiêu dùng ngày càng tăng buộc các nhà bán lẻ phải thu hẹp tỷ suất lợi nhuận và đẩy lùi nỗ lực tăng giá của các nhà cung cấp, giúp ổn định hoặc giảm giá đầu vào.
Nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục giữ vững ổn định những tuần gần đây, nhờ chi tiêu tiêu dùng giúp bù đắp cho sự yếu kém trong các lĩnh vực khác như sản xuất.
Đáng chú ý, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động ở Mỹ đang hạ nhiệt. Các doanh nghiệp ở nhiều khu vực dự báo tốc độ tăng lương sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng nhẹ, song vẫn gần mức thấp nhất lịch sử, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục vững chắc và là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới không bị suy thoái trong năm nay.
Sự gia tăng thấp hơn dự kiến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cùng các số liệu cho thấy doanh số bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng 11/2023, cũng như số lượng nhà ở cho một gia đình được khởi công và cấp phép xây dựng tăng lên mức cao nhất trong một năm rưỡi, đã thúc đẩy các nhà kinh tế nâng ước tính tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2023.
Tuy nhiên, một vấn đề gây lo lắng là chi phí vận chuyển gia tăng do hạn hán tại kênh đào Panama và tình trạng gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ đẩy giá cước vận chuyển tăng cao.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cả năm 2023 vẫn vượt mục tiêu đề ra, cho thấy một bức tranh sáng sủa chung của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau một năm đầy thách thức. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng công nghiệp - một chỉ dấu kinh tế quan trọng, tăng 4,6% năm 2023, đặc biệt có sự bứt phá khi chỉ tính riêng tháng 12/2023, sản lượng công nghiệp tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước đó.
Dù tăng trưởng chậm do suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, song đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và sản xuất tăng mạnh. Đầu tư tài sản cố định năm 2023 tăng 3% so cùng kỳ năm trước đó. Đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và lĩnh vực sản xuất năm 2023 tăng lần lượt 5,9% và 6,5% so với một năm trước đó, trong khi đầu tư phát triển bất động sản giảm 9,6%. Các ngành công nghệ cao của Trung Quốc có mức tăng trưởng mạnh mẽ, với mức đầu tư tăng 10,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán lẻ - chỉ dấu phản ánh sức mạnh tiêu dùng, tăng 7,2% trong cả năm, riêng tháng 12/2023 tăng 7,4%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2% trong cả năm, dù tăng nhẹ trong tháng 12/2023. Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế là tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,2%, vượt mục tiêu 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, kinh tế vẫn đối mặt các vấn đề như bất động sản suy thoái kéo dài ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế chung, niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn yếu.
Kinh tế khu vực châu Á cũng chứng kiến những dấu hiệu tích cực. Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore nhận định, kinh tế khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN và ba nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) sẽ đạt tăng trưởng ở mức 4,5% năm 2024, trong đó tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự đoán ở mức 6%.
Theo cơ quan nghiên cứu này, việc duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của ASEAN+3 ở mức 4,5% chủ yếu dựa trên động lực tăng trưởng của nhu cầu thị trường bên ngoài, trong khi nhu cầu của các nước trong khu vực vẫn bền vững. Ngoài ra, hai yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng của khu vực là sự hồi phục hoạt động du lịch của các nước về mức trước đại dịch Covid-19 và lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đang dần phục hồi.
Còn những mảng tối đan xen
Bên cạnh những điểm sáng kinh tế thì “mây mù” vẫn phủ bóng lên một số khu vực. Trong khi Mỹ và Trung Quốc-hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh hơn, thì châu Âu có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng yếu hoặc rất yếu. Một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho thấy, kinh tế toàn cầu đối mặt một năm 2024 bất ổn và tăng trưởng bị kìm hãm xuất phát từ căng thẳng địa chính trị, các điều kiện tài chính thắt chặt và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) gây tâm lý lo ngại.
Các điều kiện kinh tế toàn cầu về tổng thể sẽ suy yếu trong năm nay, với mức độ phân hóa rõ rệt theo khu vực.
Kết quả khảo sát cho thấy các điều kiện kinh tế toàn cầu về tổng thể sẽ suy yếu trong năm nay, với mức độ phân hóa rõ rệt theo khu vực. Mặc dù các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới khẳng định lãi suất đã đạt đỉnh, song dự kiến các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng khi lạm phát giảm và thị trường lao động bớt căng thẳng.
Trong khi đó, AI được cho là sẽ tác động không đồng đều đến kinh tế thế giới. Có 94% ý kiến dự báo AI sẽ thúc đẩy đáng kể năng suất ở các nền kinh tế thu nhập cao trong 5 năm tới, trong khi chỉ 53% dự báo tương tự đối với các nền kinh tế thu nhập thấp. Một nghiên cứu khác được WEF công bố về chất lượng tăng trưởng của 107 nền kinh tế, trong đó kết luận hầu hết quốc gia đang tăng trưởng theo hướng không bền vững về môi trường và cũng không toàn diện về mặt xã hội.
Trước các dự báo trên, người đứng đầu IMF, bà Georgieva kêu gọi Trung Quốc kiên trì hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, giải quyết những lo ngại về nợ và thực thi các quy định trong lĩnh vực bất động sản, coi đây là những biện pháp quan trọng để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ. Về nền kinh tế Mỹ, bà Georgieva nhắc đến việc “hạ cánh mềm”, trùng với thời điểm dự kiến thực hiện cắt giảm lãi suất liên bang.