Triển vọng từ tín dụng xanh
Tín dụng xanh là “mạch máu” nuôi dưỡng các “mầm xanh” của nền kinh tế - đó là kim chỉ nam trong hoạt động của ngành Ngân hàng hiện nay. Tín dụng xanh đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bệ đỡ cho những mầm xanh
Dọc theo con đường Ngô Gia Tự (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), phóng tầm mắt về phía gần biển, trong cái nắng, gió và màu xanh của biển, chúng tôi bị níu chân bởi những mảng màu xanh mướt của một vườn rau thủy canh mang tên “Vườn lá xanh”. Trên diện tích hơn 2.000m2, “Vườn lá xanh” được chia thành nhiều ô nhỏ, trồng nhiều loại rau như một nông trại thu nhỏ. Chủ nhân của vườn rau xanh này là một thanh niên địa phương thuộc thế hệ 8X - anh Hoàng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Vườn lá xanh.
Đưa chúng tôi đi tham quan xung quanh vườn, anh Phương say sưa giới thiệu từng loại rau rất đỗi quen thuộc như: Cải bó xôi, cải bẹ xanh, cải bẹ dún, rau dền, cải thìa, cải ngọt… Nhắc về cơ duyên để có vườn rau xanh tươi tốt này, anh Phương chia sẻ, vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên xuất khẩu nông sản đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, anh nhận thấy đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch là hướng sản xuất mang lại triển vọng cao trong tương lai. Nghĩ là làm, cách đây 2 năm, anh bắt tay thực hiện ý tưởng của mình với mục tiêu cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nguồn vốn lại là trở ngại lớn nhất đối với anh khi chi phí sản xuất lên đến hàng tỷ đồng, trong khi tiền tích lũy của anh lúc đó chỉ đáp ứng được 50% chi phí dự kiến. Anh tìm đến nguồn trợ lực từ một ngân hàng. Sau khi trình bày ý tưởng sản xuất, kinh doanh cùng một số điều kiện về tài sản đảm bảo, ngân hàng đã chấp thuận cho anh vay 50% chi phí thực hiện vườn rau. Có vốn, anh đầu tư hệ thống nhà kính thủy canh hồi lưu, gần 50 giàn thủy canh và hệ thống lưới cắt nắng hiện đại. Mỗi ngày, vườn rau cung cấp ra thị trường gần 100kg rau các loại, đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện thực hành nông nghiệp tốt VietGAP. Doanh thu 60 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí mỗi tháng lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng. Năm 2024, vườn đã có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm của công ty đã chinh phục được yêu cầu của Tập đoàn Lotte, trở thành nhà cung cấp chính về sản phẩm rau thủy canh cho hệ thống siêu thị Lotte Mart tại Nha Trang và Đà Nẵng.
Không chỉ cấp vốn cho thực hành nông nghiệp xanh, thời gian qua, nhiều ngân hàng trên địa bàn còn cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh trong ngành lâm nghiệp và các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế rừng, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương. Đến nay, dư nợ cho vay ngành lâm nghiệp và các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh đạt 1.106 tỷ đồng.
Đồng hành với những dự án xanh
Nhắc đến các ngành kinh tế xanh, không thể không nói đến các dự án lớn của doanh nghiệp FDI, trong đó nổi bật nhất là nhiệt điện Vân Phong và đóng tàu Hyundai Việt Nam. Công ty TNHH Điện lực Vân Phong là công ty con, với 100% vốn của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), đại diện cho chủ đầu tư Sumitomo triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 tại tỉnh Khánh Hòa. Nhà máy với tổng công suất 1.320MW đã vận hành thương mại từ tháng 10-2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 2,58 tỷ USD, đạt sản lượng 434 triệu kWh trong năm 2023, đóng góp hơn 631 tỷ đồng vào ngân sách. Dự kiến năm 2024, sản lượng đạt 6,6 tỷ kWh với doanh thu 760 triệu USD. Trong khi đó, Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam là doanh nghiệp FDI Hàn Quốc được thành lập từ năm 1996, đứng đầu trong lĩnh vực đóng mới tàu vỏ thép tại khu vực Đông Nam Á. Nhà máy đóng tàu của công ty được xây dựng bài bản, quy mô, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Sự kiện Công ty Union Maritime (Vương quốc Anh) đặt hàng 2 tàu chở dầu 115.000DWT chạy bằng nguyên liệu kép LNG (khí hóa lỏng) mới đây đã mở ra hướng đi mới cho Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam, giai đoạn cho ra đời những con tàu sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.
Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, từ lâu, phần lớn các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng nhiều ngân hàng nội địa bắt tay hợp tác cùng doanh nghiệp FDI. Với xu hướng lựa chọn các ngân hàng quốc doanh do những lợi thế rõ ràng về thương hiệu và năng lực cung cấp dịch vụ quốc tế, doanh nghiệp FDI đã tìm đến các ngân hàng có quy mô lớn và nền tảng tài chính vững mạnh, có khả năng cung cấp những sản phẩm tín dụng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, từ thanh toán quốc tế cho đến các dịch vụ bảo lãnh thương mại. Thời gian qua, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ghi dấu ấn và ngày càng khẳng định uy tín của mình với các doanh nghiệp FDI. Minh chứng là vào năm 2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa (Vietcombank Khánh Hòa) và Công ty TNHH Điện lực Vân Phong đã thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn 140 triệu USD. Năm 2024, Vietcombank Khánh Hòa ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng ngắn hạn 3.800 tỷ đồng với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Ngoài ra, BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cũng ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn 42 triệu USD với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam nhằm tài trợ vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh đóng tàu biển; VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa cũng cam kết cho Tập đoàn Sumitomo vay 145 triệu USD.
Những con số biết nói trên đã trở thành sự kiện đáng nhớ của ngành Ngân hàng Khánh Hòa, cho thấy dòng tín dụng xanh đã và đang “nuôi dưỡng” những dự án xanh, những ngành kinh tế xanh của tỉnh. Tín dụng xanh sẽ trở thành bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế xanh trong tương lai.