Triển vọng từ siêu đô thị biển

Khi TP HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra triển vọng lớn trong việc hình thành một siêu đô thị có quy mô hàng đầu Đông Nam Á.

Siêu đô thị mới không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế mà còn nâng tầm vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, lợi thế chiến lược từ việc kết nối giữa trung tâm tài chính, công nghiệp lớn (TP HCM, Bình Dương) với vùng biển giàu tiềm năng du lịch, logistics (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ giúp TP HCM trở thành trọng điểm về kinh tế, văn hóa, du lịch và công nghệ; đồng thời phát triển mạnh mẽ kinh tế biển và dịch vụ hậu cần cảng biển tầm cỡ quốc tế.

Sau sáp nhập, TP HCM mới sẽ có cơ hội tận dụng tốt hơn lợi thế của cả 3 địa phương, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông đồng bộ, cảng biển lớn nhất nước (Cái Mép - Thị Vải) và tiềm năng phát triển du lịch biển (Côn Đảo, Vũng Tàu, Cần Giờ). Những điều kiện này tạo nền tảng thuận lợi để thành phố thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng như công nghiệp công nghệ cao, tài chính, thương mại, logistics, du lịch sinh thái biển...

Đơn cử, khi TP HCM khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu được gắn kết chặt chẽ với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải thì có thể giúp nâng cấp chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia. Sự kết nối này sẽ hình thành một siêu cụm cảng biển, tạo nên mạng lưới vận tải biển quốc tế có đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các cảng biển lớn tại các nước trong khu vực. Điều này cho phép Việt Nam tận dụng lợi thế từ các tuyến hàng hải lớn đi qua biển Đông, tăng cường thu hút nguồn hàng quốc tế, giảm chi phí logistics, từ đó củng cố vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Để trở thành siêu đô thị quy mô hàng đầu khu vực, trước hết TP HCM cần có những cơ chế, chính sách đặc thù như Nghị quyết 98/2023/QH15 và cần thêm các nghị quyết đột phá mới. Những chính sách đặc thù sẽ giúp thành phố nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế; tăng cường tự chủ trong quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng, quản lý tài chính ngân sách... Cơ chế này cũng sẽ giúp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, qua đó thu hút được các nhà đầu tư quốc tế chất lượng.

TP HCM cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép và minh bạch hóa quy trình hành chính, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ. TP HCM cần có chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ kinh tế tư nhân, trong đó việc phát huy mô hình đối tác công - tư (PPP) là rất quan trọng để nhanh chóng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết cho một siêu đô thị.

Một trong những điểm nhấn quan trọng để TP HCM mới có thể thực sự trở thành siêu đô thị hướng biển mang tầm quốc tế là đẩy nhanh quá trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đổi mới sáng tạo. Thành phố cần xây dựng cơ chế đặc biệt về thuế, thủ tục, có chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn, các định chế tài chính quốc tế vào đầu tư và mở rộng hoạt động. Ngoài ra, cần khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hình thành các khu công nghệ cao kiểu mới, trung tâm R&D, vườn ươm công nghệ, từ đó tạo động lực lâu dài cho tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn.

TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN-Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/trien-vong-tu-sieu-do-thi-bien-post319525.html
Zalo