Triển vọng mô hình trồng thanh long ruột đỏ và trám đen ở xã Thạch Yên

Với mục tiêu xác định giống và biện pháp kỹ thuật phù hợp cho việc phát triển cây thanh long ruột đỏ, trám đen tại xã sẽ góp phần từng bước phát triển một nền nông nghiệp bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm phối hợp Sở KH&CN Hòa Bình thực hiện đề tài: 'Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ và cây trám đen tại 2 xã Yên Lập và Yên Thượng (nay là xã Thạch Yên), huyện Cao Phong', đưa cây trám đen ghép và cây thanh long ruột đỏ vào trồng tại địa phương, thời gian thực hiện mô hình từ tháng 8/2018 - 11/2020.

Mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Thạch Yên (Cao Phong) đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác.

Mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Thạch Yên (Cao Phong) đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác.

Qua khảo sát, cây thanh long và cây trám đen cũng được trồng ở xã, nhưng số lượng không nhiều, không tập trung thành mô hình sản xuất. Cây thanh long chủ yếu trồng ở bờ tường, bờ rào; cây trám được trồng rải rác trong vườn tạp, vườn đồi, quanh nhà của các gia đình, trong điều kiện đất đồi núi và xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Các hộ dân trồng cây chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chưa để ý đến việc thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Mô hình trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ quy mô 1,2 ha với 7 hộ tham gia, 3 giống TL4, TL5, LĐ1; mỗi giống 0,4 ha. Mô hình trồng thử nghiệm trám đen giống trám đen ghép Thanh Chương (Nghệ An) quy mô 1 ha, với 6 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống, phân bón, trụ bê tông; cán bộ kỹ thuật tập huấn kỹ thuật sản xuất thanh long ruột đỏ và kỹ thuật thâm canh cây trám đen, theo phương pháp vừa học lý thuyết trong phòng kết hợp ra thực tế trên đồng ruộng. Trong đó, mô hình trồng trám đen là 420 cây giống cho 1 ha; mô hình trồng thanh long ruột đỏ là 1.330 trụ bê tông cho 1,2 ha. Tổng kinh phí thực hiện 2 mô hình trên 826 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 680 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức 1 chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình cây trám đen, cây thanh long ruột đỏ, mô hình chế biến quả trám đen tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho 30 người dân.

Sau khi khảo sát lựa chọn vườn xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo kỹ thuật và giám sát thực hiện quy trình. Theo dõi, đánh giá, xác định hiệu quả các giống thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm. Theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của giống trám đen trồng thử nghiệm.

Qua theo dõi, đánh giá, đối với cây thanh long ruột đỏ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ra quả sau 17 tháng trồng. Tính đến thời điểm báo cáo cho thu hoạch 5 đợt quả. Năng suất trung bình đạt 12 kg/trụ, giá bán trung bình tại vườn 15.000 đồng/kg, như vậy, với 1,2 ha thanh long ruột đỏ, năm đầu tiên cho thu nhập trên 200 triệu đồng, chất lượng quả ngon, mã quả đẹp. Cây trám đen sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, tỷ lệ sống đạt trên 90%; chiều cao cây >1,5 m, đường kính thân > 3 cm.

Đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho biết: Từ thành công của mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ và cây trám đen, giúp người dân xã Thạch Yên và phụ cận có thêm lựa chọn, đưa vào trồng các giống cây ăn quả mới, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện sinh thái vùng, đồng thời áp dụng được các phương pháp bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại an toàn, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Việc mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và trám đen sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao sản lượng, chất lượng, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại các xã còn khó khăn của huyện Cao Phong.

Mặt khác, các quy trình canh tác hợp lý, thay thế dần phân hóa học bằng phân hữu cơ, sử dụng hợp lý các loại thuốc hóa học để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng được đưa vào áp dụng trong sản xuất, sẽ góp phần giảm bớt các các hóa chất sử dụng, những tác động không tích cực tới môi trường khu vực nông thôn, tạo điều kiện sản xuất an toàn cho người nông dân, cũng như tạo được các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN và huyện Cao Phong tiếp tục theo dõi các giống thanh long ruột đỏ TL4, TL5, cây trám đen ghép Thanh Chương trồng thử nghiệm, để quan tâm phát triển bổ sung vào cơ cấy cây trồng tại xã Thạch Yên và ở những vùng có điều kiện sinh thái tương tự.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, quả Gia Lâm (Hà Nội)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/147316/trien-vong-mo-hinh-trong-thanh-l111ng-ruot-do-va-tram-den-o-xa-thach-yen.htm
Zalo