Triển vọng lương cao, nhiều giáo viên vui, tuyển sinh sư phạm 'nóng'
Kết luận 91-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Một trong những nội dung quan trọng được hàng triệu cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong cả nước quan tâm được nêu rõ trong Kết luận 91-KL/TW là Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Ngay sau khi Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành và thông tin rộng rãi, đội ngũ giáo viên cả nước nói chung và ở Hải Dương nói riêng vô cùng vui mừng. Điều này giúp các giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; về lâu dài còn khắc phục được những vấn đề đang đặt ra như thu hút học sinh giỏi theo học các trường sư phạm, tuyển đủ số giáo viên...
Cháu gái tôi từng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Làm giáo viên mầm non hợp đồng 3 năm thì học lên đại học. Cháu có bằng đại học gần 5 năm nhưng vẫn hưởng lương cao đẳng vì chưa được thăng hạng giáo viên. Công việc nhiều, áp lực lớn, lương thấp, cháu đã bỏ nghề để kinh doanh online.
Trường hợp như cháu gái tôi không hiếm. Một số cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục cho biết thu nhập của nghề giáo và nhân viên trường học vẫn chưa theo kịp nhiều ngành nghề khác, khiến không ít giáo viên bỏ nghề; cử nhân tốt nghiệp sư phạm không đăng ký tuyển dụng; nhiều học sinh có học lực khá, giỏi không muốn thi vào trường sư phạm…
Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở được Nhà nước điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đối với giáo viên ngoài lương còn được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (công tác từ 5 năm trở lên), thu nhập của giáo viên đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với những giáo viên mới vào nghề thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng còn rất nhiều. Với mức thu nhập này so với giá cả tiêu dùng hiện nay thì hầu hết giáo viên đều phải xoay xở mới có thể bám trụ với nghề.
Đối với Hải Dương, sau nhiều năm không thực hiện xét thăng hạng giáo viên thì năm 2024 tỉnh đã tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho trên 15.000 giáo viên có nhu cầu từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I. Kết quả có hơn 10.000 giáo viên được thăng hạng. Việc này góp phần lựa chọn được đội ngũ giáo viên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn; bảo đảm kịp thời chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập...
Gần đây nhất, tỉnh Hải Dương có kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh đạt 10% so với tổng số tuyển dụng mới; ưu tiên hút nhân tài là các chuyên gia đầu ngành, tài năng trẻ và triển vọng tài năng trong các lĩnh vực.
Một thông tin cũng rất đáng mừng là năm 2024, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất. Điểm chuẩn của nhiều trường sư phạm năm nay hầu hết đều tăng, trong đó nhiều ngành điểm chuẩn lên tới hơn 9 điểm/môn như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội 2… Thay đổi trên có tác động lớn đến từ chế độ, chính sách gần đây với nghề giáo, đồng thời dự báo chất lượng giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện.
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo thêm động lực để nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm; nhiều sinh viên giỏi và đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó, cống hiến, tâm huyết với nghề, từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.