Triển vọng giảm lãi suất mờ mịt khi lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng mạnh
Trong tháng 1-2025, lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo, với nhiều hàng hóa và dịch vụ cùng tăng giá. Tình hình lạm phát dai dẳng cùng với nỗi lo thuế quan khiến nhà đầu tư tan hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nối lại giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
![Gian hàng trứng tươi trong một siêu thị ở San Anselmo, California, Mỹ. Trong tháng trước, giá trứng ở Mỹ tăng đến 15,2%, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ. Ảnh: Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_112_51468261/0e828753b61d5f43060c.jpg)
Gian hàng trứng tươi trong một siêu thị ở San Anselmo, California, Mỹ. Trong tháng trước, giá trứng ở Mỹ tăng đến 15,2%, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ. Ảnh: Getty Images
Theo dữ liệu công bố hôm 12-2 của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 1 tăng 0,5% so với tháng 12-2024. Tốc độ tăng CPI hàng tháng này là mạnh nhất kể từ tháng 8-2023 khiến CPI hàng năm trong tháng trước tăng 3%, mức cao nhất kể từ tháng 6-2024.
CPI cốt lõi hàng tháng, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3-2024 là 0,4%. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo dữ liệu lạm phát tháng 1 sẽ không thay đổi nhiều so với tháng cuối năm ngoái.
Giá cả trong tháng trước tăng trên diện động giữa lúc chi phí sinh hoạt tiếp tục gây áp lực lên các gia đình Mỹ và nỗi lo về rủi ro giá cả còn tăng nữa do thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Chi phí năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá trứng đang tăng vọt giữa tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì dịch cúm gia cầm. Giá trứng tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và tăng 15,2% từ tháng 12 đến tháng 1. Mức tăng mạnh của giá trứng đóng góp 2/3 mức tăng của chỉ số giá thực phẩm.
Chi phí nhà ở ở tăng nhanh vào tháng trước, tăng 0,4% so với mức tăng 0,3% của tháng 12. Tuy nhiên, xét trên cơ sở hàng năm, lạm phát nhà ở vẫn tiếp tục hạ nhiệt, giảm xuống còn 4,4%, mức thấp nhất trong 3 năm.
Các quan chức Fed muốn thấy lạm phát tăng chậm lại trước khi tiến hành đợt giảm lãi suất tiếp theo. Phát biểu tại phiên điều trần ở Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm.
“Cơn ác mộng quốc gia về lạm phát dai dẳng vẫn chưa kết thúc đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Có thể có một số yếu tố mùa vụ đẩy giá tăng nhanh hơn trong tháng 1 nhưng tất cả dữ liệu lạm hôm nay đều là tin xấu đối với các quan chức Fed”, Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng của FwdBonds nói.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nhà đầu tư lo ngại rằng, lạm phát đã đảo ngược tiến bộ gần đây, có thể dẫn đến lãi suất cao hơn. Kết phiên giao dịch hôm 12-2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm giảm 0,5% còn chỉ số S&P 500 giảm 0,27%.
Lạm phát của Mỹ đã chậm lại đáng kể kể từ khi đạt mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022. Tuy nhiên, giá cả vẫn tăng nhanh hơn mức người Mỹ từng thấy trong thập niên trước đại dịch, nhấn mạnh những thách thức sắp tới đối với Tổng thống Trump. Lạm phát cũng đang đi theo hướng ngược lại với mục tiêu 2% của Fed.
Mặc dù dữ liệu có thể thay đổi theo tháng nhưng các nhà kinh tế cảnh báo, quỹ đạo lạm phát hiện tại có thể khiến Fed không giảm thêm lãi suất trong năm nay, điều mà ông Trump không muốn thấy.
“Lãi suất cần phải được hạ xuống”, người đứng đầu Nhà Trắng viết trong một bài đăng trên mạng xã hội TruthSocial ngay trước khi dữ liệu CPI được công bố.
Kevin Hassett, giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng cho rằng, chính sách kiểm soát chi tiêu của chính phủ, giảm thuế doanh nghiệp và thúc đẩy khoan dầu mỏ của ông Trump có thể giúp giá cả giảm.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, các chính sách quan trọng khác của ông Trump gồm thuế quan nhập khẩu gây rủi ro tăng giá cả.
“Không có điều gì trong chương trình nghị sự thuế quan của ông Trump sẽ giúp giá cả giảm đối với người tiêu dùng Mỹ”, Stephanie Roth, nhà kinh tế của Wolf Research chia sẻ với hãng tin CNN.
Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới của người tiêu dùng Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 tháng vào đầu tháng 2 khi các hộ gia đình nhận thấy rằng có thể đã quá muộn để tránh tác động tiêu cực của chính sách thuế quan, theo khảo sát của Đại học Michigan.
Lạm phát cao hơn, cùng với thị trường lao động ổn định, khiến một số nhà kinh tế tin rằng, chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed đã kết thúc.
Trên thị trường lãi suất tương lai, nhà đầu tư đang tăng đặt cược Fed chỉ thực hiện 1 đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) trong năm. Trước khi dữ liệu lạm phát tháng 1 được công bố, nhà đầu tư dự báo, Fed sẽ tiến hành 2 đợt giảm lãi suất trong năm 2025. Nhà đầu tư cũng đẩy lùi kỳ vọng Fed nối lại giảm lãi suất đến tháng 9, thay vì tháng 6.
Trong cuộc họp chính sách cuối tháng trước, Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 4,2 - 4,5% sau khi hạ lãi suất xuống 1 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm 2024.
Theo CNN, Reuters