Triển vọng đầu tư 2025: Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro
Theo các chuyên gia, năm 2025 có thể không phải là năm của trái phiếu, do giá hiện tại đang ở mức cao và lo ngại về vay nợ chính phủ quá mức vẫn tiếp diễn.
Bước vào năm 2025, kinh tế toàn cầu dường như đã đạt được trạng thái cân bằng: tăng trưởng vừa phải, lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục có thể mang lại lợi ích cho thị trường, cộng thêm khả năng nới lỏng các quy định đầu tư. Tuy nhiên, với những bất ổn chính sách tại Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, các chuyên gia từ Morgan Stanley Research cho rằng việc tìm ra "thời điểm vàng" cho cơ hội đầu tư sẽ là yếu tố then chốt trong năm 2025.
Xác định thời điểm đầu tư - yếu tố then chốt
Bà Serena Tang, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu về tài sản tại Morgan Stanley, cho biết: “Thị trường trái phiếu có thể sẽ được hưởng lợi trong nửa đầu năm 2025 khi tăng trưởng vừa phải và lạm phát thấp thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất thêm nữa. Nhưng việc xác định thời điểm chính xác sẽ là yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư nên cân nhắc việc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư vào năm 2025, với cổ phiếu Mỹ và Nhật Bản có thể là những lựa chọn hấp dẫn nhất, cùng với các sản phẩm trái phiếu có chênh lệch lợi suất”.
Hầu hết các tổ chức đều cảnh báo nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào một năm lợi nhuận cổ phiếu vượt 20%, giống như năm trước. Tuy nhiên, ít ai dám khẳng định sự bùng nổ cổ phiếu nhờ trí tuệ nhân tạo sẽ chấm dứt. Công ty dịch vụ tài chính BNY Mellon cho rằng, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong thế giới hiện nay sẽ vượt qua các công nghệ từng thúc đẩy những giai đoạn thay đổi lớn trước đây. Dù không tổ chức nào thể hiện sự lạc quan tương tự, nhiều công ty dự đoán lợi nhuận của thị trường cổ phiếu sẽ gia tăng khi công nghệ này được ứng dụng rộng rãi hơn.
Theo các chuyên gia, năm 2025 có thể không phải là năm của trái phiếu, do giá hiện tại đang ở mức cao và lo ngại về vay nợ chính phủ quá mức vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, lợi suất khởi điểm của cả trái phiếu lãi suất cố định và tín dụng đều vững chắc. Công ty quản lý tài sản đa quốc gia, có trụ sở tại Anh, Schroders nhận định: “Lý do truyền thống để nắm giữ trái phiếu là tạo thu nhập đã quay trở lại”.
Trong khi đó, các nhà phân tích Phố Wall khuyến nghị hướng đến các tài sản thay thế như thị trường tư nhân và quỹ phòng hộ. Ngoài ra, nhiều tổ chức khuyên nhà đầu tư nên dựa vào các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp để điều hướng môi trường phức tạp hiện tại.
Thay đổi chính sách tại Mỹ
Các dự đoán của Phố Wall cho năm mới thường tập trung vào các chỉ số kinh tế như tăng trưởng, lạm phát và những dữ liệu "khô khan nhưng quan trọng" khác. Tuy nhiên, đối với năm 2025, tất cả những yếu tố này đều bị lu mờ bởi một nhân vật - ông Donald Trump.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump đã trở thành trọng tâm trong các báo cáo triển vọng đầu tư của các ngân hàng lớn, cố vấn tài chính và nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới. Nhìn chung, các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của ông đang tạo ra sự lạc quan, đặc biệt với doanh nghiệp Mỹ và các tài sản tại Mỹ. Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn của ông về thương mại toàn cầu đang làm dấy lên lo ngại, trong khi tính khó đoán của ông khiến nhiều chuyên gia dự báo cảm thấy bất an.
Tại Mỹ, sự nới lỏng các quy định đầu tư cụ thể hoặc thay đổi trong việc thực thi chúng có thể sẽ là những thay đổi chính sách tác động tích cực đến các doanh nghiệp và thị trường. Ví dụ, sự gia tăng hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) có thể tác động tích cực đến thị trường cổ phiếu, đây là một trong những kết quả có thể có được từ sự thay đổi quyền lực tại Washington.
Hơn nữa, Quốc hội Mỹ có thể sẽ gia hạn các điều khoản của Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2025, bao gồm việc giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn thuế quy mô rộng hơn. Điều này có thể dẫn đến việc thâm hụt ngân sách tăng nhẹ, nhưng tránh được kịch bản tài khóa thắt chặt hơn nếu các biện pháp cắt giảm thuế không được gia hạn.
Tuy nhiên, các mức thuế mới và quy định hạn chế nhập cư chặt chẽ có thể kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley chỉ ra rằng thuế quan có thể làm chậm hoạt động kinh tế với độ trễ từ hai đến ba quý, do đó, thuế quan có thể trở thành yếu tố cản trở tăng trưởng của Mỹ vào cuối năm 2025 và 2026. Việc hạn chế nhập cư, có thể làm điều kiện thị trường lao động trở nên kém thuận lợi, cũng dự kiến sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nửa cuối năm 2025.
Các thay đổi chính sách lớn thường được công bố nhanh chóng và thực hiện chậm chạp, vì vậy các điều kiện vĩ mô hiện tại có thể sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2025 mà không gặp phải gián đoạn lớn. Tuy nhiên, kết quả đầu tư sẽ phụ thuộc vào bản chất của các chính sách mới, sự nghiêm ngặt trong việc thực hiện và sự sắp xếp các chính sách này.
Đánh giá danh mục đầu tư
Morgan Stanley khuyến nghị các nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng cổ phiếu tại Mỹ và Nhật Bản, nơi chính sách của ngân hàng trung ương đã giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn “hạ cánh mềm”, nhưng triển vọng đối với cổ phiếu châu Âu lại ở mức trung lập. Kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm hơn Mỹ và đang đối mặt với các rủi ro từ thuế quan và sự suy giảm từ Trung Quốc, nơi đang chật vật trước áp lực giảm phát. Cổ phiếu các thị trường mới nổi vẫn chưa được ưa chuộng và bất kỳ sự gia tăng căng thẳng thương mại nào cũng chỉ làm chúng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Trong thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể sẽ tiếp tục giảm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán rằng các đợt cắt giảm lãi suất của Fed sẽ dừng lại vào giữa năm 2025. Thị trường tín dụng doanh nghiệp năm 2025 có thể sẽ rẽ theo hai hướng khác nhau trong hai phần nửa của năm. Môi trường ổn định trong nửa đầu năm 2025 có thể hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp, nhưng câu chuyện sẽ thay đổi trong nửa sau của năm khi thị trường cổ phiếu có thể vượt trội hơn. Các chuyên gia chiến lược của Morgan Stanley tin rằng các khoản vay có đòn bẩy sẽ mang lại sự cân bằng tốt nhất giữa rủi ro và lợi nhuận, vượt trội so với trái phiếu đầu tư chất lượng cao và trái phiếu có lợi suất cao, trong khi thị trường Mỹ vẫn sẽ hấp dẫn hơn châu Âu.