Triển lãm mỹ thuật 'Bài ca thống nhất' chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Sáng 25/4 tại khuôn viên công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc cuộc triển lãm mỹ thuật mang tên 'Bài ca thống nhất' chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân (7/5/1955 - 7/5/2025).

Triển lãm do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ đồng hành tài trợ chương trình. Dự lễ khai mạc có Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nguyên Phó Chủ tịch TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung tướng Vũ Văn Kiểu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc Phòng; Trung tướng Huỳnh Ngọc Hà, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc Phòng. Cùng dự lễ khai mạc có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và gần 100 em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, cùng các thầy cô giáo. Không khí cuộc triển lãm thân mật ấm áp với sự hiện diện các gia đình họa sỹ Huy Toàn, Phạm Ngọc liệu, Lê Lam.

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Cuộc triển lãm mỹ thuật được trưng bày một cách đặc biệt trong không gian ngoài trời nơi mà năm 1961 công viên được đặt tên Thống Nhất nhằm thể hiện khát vọng sớm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trung tâm triển lãm là tấm pano cao 4m dài 45m in phóng to sắc nét các tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu và các ký họa chiến trường của các họa sỹ quân đội từng tham gia kháng chiến như họa sỹ Huy Toàn, Lê Lam, Trần Hữu Chất, Phạm Ngọc Liệu, Phan Oánh, các họa sỹ thế hệ sau như Trịnh Bá Quát, Ngân Chài, Đinh Công Khải, Thế Hữu, Đào Hoa Vinh, Đỗ Như Điềm… và cả các tác phẩm của các họa sỹ sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng cũng rất tâm huyết và bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân tới thế hệ cha anh như các họa sỹ Phạm Hoàng Văn, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thu Thủy, Đào Thế Am, Nguyễn Doãn Sơn, Hà Thành, Trịnh Thanh Tùng… Đây là một phần các tác phẩm hội họa sẽ được trưng bày hoành tráng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong tháng 5 nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025).

Đằng sau mỗi tác phẩm là những câu chuyện cảm động của họa sỹ và những nhân vật mẫu vẽ của họ. Năm 1966 họa sỹ Lê Lam từ chối xuất đi tu nghiệp ở Liên Xô và xung phong vào sáng tác tại chiến trường miền Nam. Tại đây năm 1967, ông đã tìm gặp nhân vật chị Tư Cào - người đã tay không ngăn xe địch ở Long An lúc bấy giờ - để vẽ kỹ họa. Sau đó ông đưa vào bức tranh cổ động vẽ chị Tư Cào hiên ngang đứng trước xe tăng địch, dưới gầm trời xám loang lổ khói bom lẫn máy bay trực thăng phủ đầy trên cánh đồng lúa vàng. Trên xe, người lính Mỹ giương súng trước mặt chị Tư Cào. Ban đầu họa sỹ đặt tên tranh “Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục”. Sau này tranh chính thức mang tên “Dừng lại”. Bức tranh đầu tiên ấy sau đó bị quân địch thu giữ như chiến lợi phẩm. Khi họa sỹ Lê Lam về Trung ương Cục đã vẽ lại bức tranh gửi ra Bắc. Khi tranh được triển lãm, tác giả đã rất xúc động khi được biết Bác Hồ đã đứng rất lâu trước bức tranh rồi nói: “Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem”.

Các cựu chiến binh tham quan không gian triển lãm

Các cựu chiến binh tham quan không gian triển lãm

Nếu như họa sỹ Lê Lam gắn bó với Bến Tre và cho ra đời nhiều tác phẩm về con người và những cuộc chiến nơi đây, thì họa sỹ Phạm Ngọc Liệu có nhiều gắn bó với vùng đất Vĩnh Linh Quảng Trị. Ngắm bức ký họa các chiến sỹ bên công sự phóng to của ông và đọc những dòng hồi ký của ông thật vô cùng cảm động: “Đầu năm 1973, ngay sau mấy ngày đình chiến để hai bên cùng được ăn Tết nguyên đán, tôi đi vẽ ở một trận địa chốt trên bờ sông Thạch Hãn. Cuộc giao ban trao đổi tình hình nhiệm vụ của một tiểu đội trong phần nổi của căn hầm chữ A. Người ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộc dây bọc. Người khoác súng chếch, người lại kẹp súng ở hai đùi, người đứng dựng khẩu B40 như cầm thanh long đao… Một bố cục tự nhiên rất sinh động và chặt chẽ. Tôi ghi nhanh toàn bộ bối cảnh này và chia tay các anh để tới tiểu đội khác. Vừa rời khỏi căn hầm ấy vài phút, một loạt pháo từ sân bay Ái Tử dội xuống trận địa của ta. Những quả đạn bội ước mở đầu năm mới đã rót chính xác xuống những căn hầm, trong đó có căn hầm tôi vừa vẽ cuộc giao ban. Cả tiểu đội ấy đã ra đi khi chưa kịp triển khai bữa ăn sáng. Tôi rưng rưng nhìn lại chân dung từng người vừa phác họa. Họ là những người lính trẻ đẹp trai, thông minh, vừa rời ghế nhà trường. Mới đấy thôi, mà bây giờ họ chỉ còn hiển hiện trong bức ký họa của tôi. Nhưng họ sống mãi trong lòng tôi, trong sự ghi công của Tổ quốc. Những kỷ niệm của một thời đi vẽ ở chiến trường đầy xúc động, chan chứa tình đồng đội như thế, kể sao cho hết, và làm sao tôi có thể quên? Chính đó là suối nguồn trong trẻo, vô tận, theo tôi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp làm người lính vẽ”.

Giải phóng đảo Sơn Ca - Tranh sơn dầu của Nguyễn Thu Thủy

Giải phóng đảo Sơn Ca - Tranh sơn dầu của Nguyễn Thu Thủy

“Tôi vẽ chiến tranh vì yêu hòa bình”. Họa sỹ Lê Huy Toàn cho mình là người may mắn so với các đồng đội cầm súng và cầm cọ khác khi có mặt ở hầu hết những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, từ chiến dịch Biên Giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng đại thắng mùa xuân 1975… Kết quả của những ngày tháng lặn lội từ Bắc chí Nam. Với cây súng và cây bút của ông đã để lại một gia tài vô giá: hàng chục nghìn bức ký họa về những khoảnh khắc, những hình ảnh sống, chiến đấu của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, để sau này từ những bức ký họa đó, ông đã dựng nên những tác phẩm hội họa hoành tráng. Ông tựa như dùng tất cả những “vốn liếng” nghệ thuật mà mình có để lan tỏa tình yêu hòa bình, yêu cái đẹp tới mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và mọi dân tộc. Chính những trải nghiệm xương máu, chân thực là nguồn cảm hứng để ông sáng tác rất nhiều tác phẩm mang tính chất tuyên truyền, tôn vinh tinh thần chiến đấu, khơi gợi niềm tự hào dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - Tranh sơn dầu của Nguyễn Doãn Sơn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - Tranh sơn dầu của Nguyễn Doãn Sơn

Tại cuộc triển lãm có 3 tác phẩm đặc biệt do hai nhà sưu tập tranh từ Công ty Phú Gia Indochina tham gia đóng góp cho triển lãm, đó là bức sơn dầu Điện Biên Phủ trên không của họa sỹ Nguyễn Thuận, hai bức sơn mài Giải phóng Buôn Ma Thuột và Xe tăng húc cổng dinh Độc Lập của họa sỹ Trần Hữu Chất.

Tại lễ khai mạc triển lãm, 80 em học sinh trường tiểu học Chu Văn An đã xếp hình trái tim và chữ số 30/4 thể hiện niềm vui và tự hào của thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình và luôn nhớ tới công lao cùng những hy sinh mất mát của cha ông để có được cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày hôm nay. Bức tranh Chào Việt Nam quê hương tôi cao 1,8m dài 300m bằng chất liệu acrylic của họa sỹ Ngô Bá Hoàng là một điểm nhấn của triển lãm thể hiện đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình thống nhất trải dài từ Cột cờ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, từ miền núi xuống đồng bằng và các vùng duyên hải. Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh đại diện cho ba miền thống nhất. Đất nước chúng ta giàu đẹp bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, bởi bản sắc văn hóa giàu truyền thống và bởi dân tộc Việt Nam anh dũng kiên cường.

Tín hiệu sống - Tranh sơn dầu của Đinh Công Khải

Tín hiệu sống - Tranh sơn dầu của Đinh Công Khải

Thăm triển lãm, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ xúc động phát biểu: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật được trưng bày không chỉ là kết tinh của tài năng và tâm huyết từ các nghệ sỹ tài hoa, mà còn là những lát cắt sống động về hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bảo Việt Nhân Thọ tin rằng, những giá trị nghệ thuật ấy sẽ khơi dậy cảm xúc sâu lắng, hun đúc tinh thần yêu nước và niềm tự hào trong lòng mỗi người - đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối sứ mệnh xây dựng một Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng”.

Sỹ Văn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/trien-lam-my-thuat-bai-ca-thong-nhat-chao-mung-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-a28465.html
Zalo