Triển lãm 'Dòng chảy'- Hành trình tìm kiếm bản sắc văn hóa Việt

Trên những chất liệu truyền thống, các tác phẩm tại triển lãm 'Dòng chảy' mang dấu ấn của ba nữ nghệ sĩ trong hành trình tìm kiếm những giá trị đậm bản sắc văn hóa Việt.

Từ ngày 2 - 10/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm “Dòng chảy”, của ba nữ họa sĩ thuộc ba thế hệ: Đinh Thị Kim Liên (SN 1967), Trang Thanh Hiền (1974) và Hoàng Hương Giang (1988).

Triển lãm trưng bày 41 tác phẩm hội họa trên các chất liệu truyền thống như giấy dó, sơn mài và lụa, cùng 3 tác phẩm điêu khắc gỗ.

 Tác phẩm "Múa Bồng" của Đinh Thị Kim Liên. Ảnh: NVCC

Tác phẩm "Múa Bồng" của Đinh Thị Kim Liên. Ảnh: NVCC

Đinh Thị Kim Liên có duyên với hội họa từ nhỏ. Cùng với năm tháng, cuộc sống mưu sinh, văn hóa dân tộc vẫn làm cho chị say mê bằng trái tim rung cảm.

Với Đinh Thị Kim Liên, những bức tranh về lễ hội và đời sống sinh hoạt làng quê trên chất liệu sơn mài và giấy dó là những chiêm nghiệm về khát vọng sống được hiện lên qua những thời khắc thăng trầm từ các trạng thái thực tế của cuộc sống đa sắc màu.

Trong khi đó, “Dòng chảy" của Hoàng Hương Giang tràn trề xúc cảm qua những bức tranh sen tươi mới sắc xuân trên chất liệu giấy dó và sơn mài.

Tranh của cô thường mang đến một cảm giác mơ màng, siêu thực. Những đóa sen không chỉ đơn thuần là hoa mà còn là những hình ảnh ẩn dụ, những giấc mơ. Với cách sử dụng màu sắc một cách tài tình, Hương Giang tạo nên những bức tranh rực rỡ, đầy sức sống của một tâm hồn nữ tính.

 Tác phẩm "Cánh chim thiên điểu về trời" của Hoàng Hương Giang. Ảnh: NVCC

Tác phẩm "Cánh chim thiên điểu về trời" của Hoàng Hương Giang. Ảnh: NVCC

Là một nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa Phật giáo và là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống, Trang Thanh Hiền mang đến triển lãm những bức tranh chủ đề Phật giáo trên đồ họa khắc in kết hợp với mực nho và màu nước.

Thuần thục với các kỹ thuật đồ họa khắc gỗ và tranh in, các tác phẩm của chị là sự đúc rút ra từ những nghiên cứu của chị về nghệ thuật Phật giáo. Ở đó chứa đựng các triết lý nhân sinh và thể hiện ra sự am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống.

Với chất liệu mực nho giấy dó, các tác phẩm của Thanh Hiền được đánh giá cao bởi sự kết hợp độc đáo, hài hòa giữa dáng nét của mỹ thuật cổ và tính hiện đại.

Ngắm tranh của Trang Thanh Hiền, công chúng như thấy được cả những câu hỏi mở, một sự giản đơn kiệm hình, kiệm sắc mà có ý tứ.

 Tác phẩm "Tình yêu 2" của Trang Thanh Hiền. Ảnh: NVCC

Tác phẩm "Tình yêu 2" của Trang Thanh Hiền. Ảnh: NVCC

“Dòng chảy” là cuộc gặp gỡ hữu tình đầy duyên phận của ba người đàn bà, ba nữ nghệ sĩ, ba thế hệ và ba khuôn hình dẫu không giống nhau nhưng có chung một niềm đồng cảm.

Câu hỏi về một hành trình dài, mà dòng chảy cuộc đời sẽ giúp chúng ta lưu lại trong những sâu thẳm của những điều đã qua. Ở đó, sự chiêm nghiệm về khát vọng sống được hiện lên qua những thời khắc thăng trầm từ những trạng thái thực tế của cuộc sống đa sắc màu. Trong vô vàn những bề bộn của cuộc sống, để có thể được vẽ, để có thể yêu với niềm đam mê của chính mình, đôi khi với những người phụ nữ là cả một sự đánh đổi.

“Dòng chảy” là một mạch nước ngầm trong suốt đầy khắc khoải và yêu thương. Trên những chất liệu truyền thống, các tác phẩm như dấu ấn của một hành trình mà mỗi nữ nghệ sĩ đã tìm kiếm những giá trị đậm sắc văn hóa Việt.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trien-lam-dong-chay-hanh-trinh-tim-kiem-ban-sac-van-hoa-viet-post319522.html
Zalo