Về 4 bản dịch Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức
Hiện chúng tôi có đủ 4 bản dịch Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Cuốn khó tìm nhất là bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo do Nha Văn hóa thuộc Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn trong tủ sách Văn hóa tùng thư.
Do không in phần nguyên văn chữ Hán nên bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo chỉ dày 360 trang, in gộp hai tập thượng và hạ. Cuốn của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục hơn 500 trang, cuốn của NXB Đồng Nai trên 580 trang, cuốn do Phạm Hoàng Quân dịch, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trên 740 trang.
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Nai chủ trương tổ chức dịch Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức do nhà Hán học Lý Việt Dũng (nhà ở làng Bến Gỗ cũ) dịch và chú giải, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới hiệu đính và chú giải. Đặc sắc của cuốn này là có in lại nguyên văn bằng chữ Hán chép tay lưu trữ tại Viện Hán Nôm và bản chép tay trên cơ sở bản này của thượng tọa Thích Lệ Trang. Sách do NXB Tổng hợp Đồng Nai ấn hành và nộp lưu chiểu tháng 2-2005.
Trong dịp kỷ niệm 300 năm Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược miền Nam (1698-1998) NXB Giáo dục và Viện Sử học phối hợp xuất bản cuốn Gia Định thành thông chí, bản dịch của các cụ Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh; Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích. Sách này có bài giới thiệu của học giả Đào Duy Anh, cuối bài ghi năm 1964. Xem ra như vậy, trước năm 1975, ở miền Bắc có bản dịch Gia Định thành thông chí trước bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo 8 năm.
Năm 2019, Saigonbooks và NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn Gia Định thành thông chí, bản dịch, chú và khảo chứng của Phạm Hoàng Quân. Sách này có in lại một trang bản dịch ra Pháp văn của Aubaret, xuất bản năm 1863 tại Pháp và có tựa là Gia - Dinh - Thung - Chi, có lẽ vì ảnh hưởng bản dịch này nên có người gọi gọn là Gia Định thông chí.
Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển, NXB Trẻ, 1999, có mục từ Gia Định thành thông chí. Học giả này giảng nghĩa: Tên một bộ sách của Trịnh Hoài Đức (…) chứ không phải Gia Định thông chí. Chữ “thành” ở đây không có nghĩa là thành trì, thành lũy, thành quách, phủ thành, huyện thành, chợ Bến Thành, mà đặc biệt để chỉ “đầu mối” một địa hạt hành chánh và quân sự rộng lớn, gồm nhiều trấn.
Ở cả 4 bản dịch, phần nội dung chữ Hán cơ bản đều được dịch đầy đủ. Sự khác nhau ở 4 bản dịch là phần chú thích, chú giải, khảo chứng, hiệu đính… mà mỗi sách dùng thuật ngữ khác nhau.
Một cuốn sách giá trị như địa chí của toàn miền Nam có nhiều bản dịch và chú giải là điều tốt để độc giả lựa chọn kiến thức đúng nhất. Chuyên gia Hán học, Giáo sư Trần Kinh Hòa, trong bài khảo về Gia Định thành thông chí có viết: “Nghe nói, từ triều Minh Mạng (1820-1841) trở về sau, những quan lại bổ nhiệm các chức vị trọng yếu tại Nam Kỳ, đều đọc sách ấy trước khi đi đến nhiệm sở. Kiến văn trong sách có giá trị đến ngày nay. Tiếng Việt những năm 1820 so với nay đã khác nhiều (khó hơn đọc Kiều), huống chi là chữ Hán nên khác biệt giữa các bản dịch là điều không tránh khỏi…