Triển lãm có quy mô lớn nhất về tranh vua Hàm Nghi tại Việt Nam

Với chủ đề 'Trời, Non, Nước | Allusive Panorama', triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 20 tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi được ông sáng tác trong thời gian lưu đày

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Viện Pháp tại Việt Nam và tạp chí Art Republik sẽ phối phợp tổ chức triển lãm tại không gian di tích Điện Kiến Trung - Khu di sản Hoàng cung Huế từ ngày 25/3, nhân khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 và kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế.

Tác phẩm "Cánh đồng lúa mì" được vua Hàm Nghi sáng tác năm 1913. (Nguồn: Lynda Trouvé)

Tác phẩm "Cánh đồng lúa mì" được vua Hàm Nghi sáng tác năm 1913. (Nguồn: Lynda Trouvé)

Các tác phẩm này được quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân, được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành và được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và TS. Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Triển lãm là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam và du khách quốc tế chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi - một trong hai người nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tiếp cận và sáng tác theo phong cách mỹ thuật hiện đại.

Đến với triển lãm, công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm quý mà còn có cơ hội giao lưu cùng đội ngũ giám tuyển, các chuyên gia để hiểu thêm về quá trình hồi hương tranh của vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là Hoàng đế thứ 8 của Vương triều Nguyễn.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Năm 1888, vua bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Alger, thủ đô Algeria năm 1889. Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Alger khoảng 12km, vẫn giữ theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời vào tháng 1/1944.

Trong thời gian bị lưu đày, nhà vua theo học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng. Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác.

Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

P.V

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trien-lam-co-quy-mo-lon-nhat-ve-tranh-vua-ham-nghi-tai-viet-nam-304542.html
Zalo