Triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia: Giải 'bài toán' thiếu hụt quặng cho sản xuất phân bón
Ngày 20/12, tại Lào Cai, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Tham dự hội nghị, về phía Vinachem có ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn, đại diện các bộ ngành quản lý, các chuyên gia…
Nếu không có giải pháp, tương lai gần sẽ thiếu quặng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh đất nước chúng ta rất may mắn khi có nguồn khoáng sản apatit – là loại khoáng sản không phải quốc gia nào cũng có.
Quyết định số 866 là quyết định thay thế Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 20/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trong đó có apatit. Hiện nay, sản phẩm này chỉ có ở Lào Cai. Tỉnh Lào Cai cũng rất quan tâm đến hội nghị này.
Sự quan trọng của quặng apatit ai cũng rõ, đặc biệt với ngành phân bón của Vinachem. Hiện ngành phân bón chiếm khoảng 60% tổng doanh thu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Quyết định 866 khi ban hành, các đơn vị ngành hóa chất cũng phải xem xét sao cho có các giải pháp phù hợp với Quyết định.
Xác định tầm quan trọng như vậy, Tập đoàn đã bắt tay ngay vào để xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 866. Ngày 4/11, Tập đoàn đã tổ chức hội nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quặng. Hiện nay, có 7 đơn vị sản xuất phân bón chứa lân sử dụng apatit, cung cấp ra thị trường 1,34 triệu tấn, đóng góp 55% trữ lượng phân bón chứa lân của Việt Nam. Apatit đã trở thành đầu vào cho một chuỗi doanh nghiệp của tập đoàn.
“Những năm gần đây, việc khai thác quặng là khó khăn của Tập đoàn. Nếu chiến lược không xây dựng được việc khai thác và sử dụng hiệu quả thì tương lai gần, đến 2026-2027 sẽ thiếu trầm trọng. Đảm bảo được đủ quặng được xác định là mục tiêu quan trọng của tập đoàn” – ông Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh.
Trình bày tại hội nghị, ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, trong 03 năm gần đây chỉ thực hiện 01 dự án: Thăm dò nâng cấp trữ lượng quặng apatit Khai trường 10, khu Cam Đường I mỏ apatit Lào Cai, trữ lượng 5,6 triệu tấn quặng apatit loại III.
Hiện tập đoàn đang có 07 giấy phép khai thác, tổng trữ lượng tài nguyên các mỏ thuộc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (bao gồm cả khai trường 10 đang xin gia hạn giấy phép khai thác) là 48.232.064 tấn. Trong đó quặng I là 3.404.035 tấn; Quặng II: 12.113.058 tấn; Quặng III: 32.714.971 tấn.
Giai đoạn đến năm 2030, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xác định triển khai 03 dự án thăm dò mới và 01 dự án thăm dò nâng cấp.
Giai đoạn 2031 - 2050, thực hiện thăm dò xuống sâu các khai trường đã có giấy phép khai thác, và tiếp tục thăm dò 02 dự án chuyển tiếp.
Giai đoạn 2031-2050, sản lượng khai thác hằng năm dự kiến 5,5 triệu tấn quặng apatit nguyên khai. Trong đó tiếp tục đầu tư duy trì sản xuất 06 dự án (gồm cả các dự án xây dựng mới và cải tạo mở rộng đã thực hiện ở giai đoạn trước); xin cấp phép mới và cải tạo mở rộng 03 dự án.
Đối với Kế hoạch các dự án tuyển quặng, giai đoạn đến năm 2030, xác định điều chỉnh công suất các nhà máy tuyển để phù hợp với điều kiện thực tế; Lập dự án nâng công suất nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn lên 450.000 tấn quặng tinh/năm (triển khai thực hiện dự án từ năm 2024); Điều chỉnh công suất Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng xuống 02 hệ tuyển, sản lượng 600.000 tấn quặng tinh /năm (thực hiện sau khi Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn nâng công suất); Thực hiện chuyển đổi Nhà máy Tuyển Cam Đường tuyển quặng II trước năm 2030 (dự kiến năm 2028 có sản phẩm quặng tuyển từ nguyên liệu quặng apatit loại II).
Kế hoạch là vậy, song ông Phùng Ngọc Bộ chia sẻ, hiện công suất khai thác trong Quyết định 866 chưa phù hợp với công suất khai thác trong các giấy phép đã được cấp. Công suất khai thác theo Quy hoạch 866 là công suất cố định, còn công suất khai thác trong giấy phép đã được cấp có biên độ dao động theo năm sản xuất.
Bên cạnh đó, tại Khai trường 23, trữ lượng huy động theo Quy hoạch 866 bao gồm cả cấp trữ lượng và tài nguyên. Khi lập Dự án, Công ty chỉ huy động cấp trữ lượng (cấp 121 + 122) vào thiết kế khai thác mỏ (tổng khối lượng 865.435 tấn), thấp hơp so với trữ lượng trong Quyết định 866 (1.348.724 tấn), do Công ty không được phép đưa khoáng sản cấp tài nguyên (có trữ lượng là 483.289 tấn) vào thiết kế, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp giấy phép.
Hoặc, Khu vực có quặng apatit nhưng lại không nằm trong Quy hoạch 866 và không nằm trong Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 về Quy hoạch vùng khoáng sản dự trữ quốc gia…
Ngoài ra, nguyên liệu quặng III cơ bản sử dụng quặng III kho lưu nghèo và khó tuyển, dẫn đến hiệu quả tuyển giảm. Nguồn quặng III đang quản lý rất hạn chế, từ năm 2025 rất khó đáp ứng được cho các Nhà máy Tuyển sản xuất đạt công suất thiết kế.
Báo cáo thực trạng và các giải pháp để ổn định nguồn quặng apatit cung cấp cho các đơn vị sản xuất phân bón và hóa chất trong nước giai đoạn đến năm 2030, định hướng sau năm 2030, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam cho hay, hiện nay, nhu cầu sử dụng quặng tuyển tăng cao, trong khi sản lượng quặng tuyển từ quặng III không thể tăng được theo nhu cầu (do thiếu nguồn nguyên liệu), để bổ sung nguồn nguyên liệu quặng tuyển từ quặng II là cần thiết.
Tuy nhiên, việc triển khai lập dự án xây dựng nhà máy tuyển quặng loại II, Công ty gặp khó khăn khi thực tế, chỉ Khai trường 14, 15a, 15b (Ngòi Đum - Đông Hồ) và Khai trường Mỏ Cóc 1 cấp cho Công ty Apatit Việt Nam (trữ lượng còn lại khoảng 8 triệu tấn), công suất khai thác quặng II là 721.000 tấn/năm, cung cấp cho các nhà máy phân lân nung chảy và P4 Phốt pho khoảng 620.000 tấn, còn lại 101.000 tấn, không đủ nguyên liệu cho nhà máy tuyển quặng II.
Như vậy, với trữ lượng, công suất khai thác quặng II hiện có, Công ty không đủ cơ sở nguyên liệu để xây dựng nhà máy tuyển quặng II.
“Trên cơ sở các Giấy phép hiện có của Công ty, thực trạng nguồn tài nguyên quặng apatit Công ty đang quản lý sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trong Tập đoàn giai đoạn đến năm 2030, cũng như sau năm 2030” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá về ảnh hưởng của chất lượng quặng tuyển đến sản xuất và các giải pháp để sử dụng hiệu quả quặng tuyển có chất lượng suy giảm, ông Vũ Việt Tiến, Tổng Giám đốc, Công ty CP DAP số 2-Vinachem cho hay, việc suy giảm chất lượng quặng tuyển đã ảnh hưởng lớn đến công suất chạy máy. Hàm lượng P2O5 trong quặng thấp dẫn đến lượng sản phẩm thu được/tấn quặng giảm, lượng bã thải phát sinh/tấn quặng tăng so với thiết kế, làm tiêu hao quặng/đơn vị sản phẩm tăng. Song song với đó cũng khiến chất lượng axit photphoric giảm (hàm lượng P2O5 giảm và hàm lượng oxit kim loại tăng) và chất lượng sản phẩm DAP giảm tương ứng.
“Chất lượng quặng xấu làm cho hệ thống đường ống, thiết bị nhanh bị bám tắc, ăn mòn, gây hư hỏng, suy giảm tuổi thọ thiết bị, rút ngắn thời gian vận hành hệ thống. Chi phí sản xuất tăng thêm do tăng định mức, giảm công suất, sửa chữa thiết bị...” - ông Vũ Việt Tiến cho biết.
Nâng cao hiệu quả sử dụng quặng
Tại hội nghị, PGS. TS La Thế Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trình bày tham luận về việc chế biến quặng apatit thành một số sản phẩm có ứng dụng quan trọng trong công nghiệp và đời sống.
GS. TS. Vũ Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam chia sẻ về một số định hướng giải pháp chế biến quặng apatit nghèo. Theo đó, để hướng tới triển khai ứng dụng công nghiệp, còn cần phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn, có tính hệ thống hơn, ở quy mô lớn hơn quy mô phòng thí nghiệm, đồng thời chú trọng toàn diện chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm tinh quặng sau làm giàu (bao gồm không chỉ hàm lượng P2O5, hàm lượng MgO mà còn phải bao gồm cả giá trị MER), bởi vì chất lượng của tinh quặng có ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sau, tức là quá trình sản xuất phân bón DAP.
“Hiện tại, Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ lọc hóa dầu đang tiếp tục cùng các đối tác của phòng phát triển các hướng công nghệ nêu trên. Mặt khác, kế hoạch triển khai nghiên cứu công nghệ chế biến sâu quặng IV sau tuyển cũng sẽ được quan tâm và khởi động nghiên cứu trong trường hợp có đặt hàng công nghệ” - GS. TS. Vũ Thị Thu Hà thông tin.
Quặng apatit có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất ngành phân bón. Do đó, để nâng cao hiệu quả tuyển quặng, ông Phùng Ngọc Bộ đề xuất UBND tỉnh Lào Cai ủng hộ chủ trương cho phép Công ty Apatit Việt Nam được thăm dò quặng II và cấp giấy phép khai thác tại cụm khai trường 20-22, 23 không qua đấu giá; ủng hộ Công ty trong việc xin gia hạn giấy phép khai thác khai trường 10 và khai trường 18. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho Công ty Apatit Việt Nam; hỗ trợ nhu cầu sử dụng đất của Công ty khi triển khai thực hiện Quy hoạch 866.
Về phía Bộ Công Thương, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung còn chưa phù hợp trong Quy hoạch 866 để tháo gỡ vướng mắc cho Tập đoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại khai trường 10 và khai trường 18, đồng thời hướng dẫn Công ty sớm hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác tại khai trường 23 và khai trường 30. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương không qua đấu giá và giao Công ty Apatit Việt Nam triển khai thực hiện các dự án.
Ông Nguyễn Phú Cường - nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem chia sẻ, Quyết định 866 là quyết định quan trọng cho cả giai đoạn mới đối với ngành khai khoáng Việt Nam, trong đó có apatit. Việc cơ quan quản lý cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có được hành lang thuận lợi cho hoạt động là điều đáng mừng
“Đây là điều mong mỏi của Vinachem và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam từ rất lâu, nên Vinachem cần giao Apatit Việt Nam chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định này một cách nhanh chóng, bài bản và hiệu quả nhất” – ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ.
Ông Đỗ Duy Phi - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam chia sẻ thêm, sau nhiều năm khai thác, quặng apatit ngày càng cạn kiệt cả về số lượng và chất lượng nên thời gian tới cần có biện pháp triệt để để khai thác, sử dụng quặng phục vụ cho sản xuất.
Theo đó, biện pháp quan trọng là khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng các khai trường, từ đó có kiến nghị với cơ quan nhà nước. Từ trước đến nay, khi thiếu phân bón hoặc cần bình ổn giá phân bón, nhà nước đều chỉ đạo Vinachem phải thực hiện nên cần có cơ chế đặc biệt xem xét cấp mỏ cho đúng đối tượng, đảm bảo cung cấp quặng lâu dài.
Các nhà máy tuyển cũng cần có nghên cứu, cải tiến thiết bị, cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất tuyển, thu hồi cao nhất quặng tuyển để tiết kiệm quặng.
“Ta có 3 nhà máy tuyển xây dựng đã rất lâu, cần cải tiến sao cho tiêu hao điện ít nhất, tận thu nhất để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên. Nếu không về lâu dài sẽ thiếu quặng” – ông Đỗ Duy Phi nêu rõ.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh, Vinachem đã yêu cầu các Ban của Vinachem, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và các đơn vị sử dụng quặng apatit xây dựng Kế hoạch chi tiết của đơn vị mình đảm bảo tính tuân thủ, kế thừa các Quy hoạch, Chiến lược phát triển chung của Chính phủ, các Bộ, ngành và Chiến lược phát triển của Vinachem; đảm bảo tính khả thi, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện các đề án, dự án theo từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh và nguồn lực của Tập đoàn, của đơn vị; Khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường, an toàn lao động và phát triển kinh tế xã hội địa phương
Đồng thời, rà soát, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các đề án, dự án vào Quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch 866 để làm cơ sở triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Bám sát xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong để đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản; nghiên cứu chế biến sâu khoáng sản apatit tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.