Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng qua (16-4), tại tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị.
Quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21.000 điểm cầu từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị, quân khu, quân chủng, quân đoàn trên cả nước với hơn 1.500.000 đại biểu và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước theo dõi. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030); phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2026-2030).
Tổng Bí thư Tô Lâm: Các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa, đại khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch để bảo đảm các công việc đúng tiến độ đề ra theo thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện đúng quy định, nhất là nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, các xã...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề về “Sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử khóa trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày chủ nhật 15-3-2026 và ngày 6-4-2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ. Về số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%; đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử. Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14-6- 2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố; tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại tờ trình và đề án của Đảng ủy Chính phủ; đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay...
Vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao những nội dung lớn, cốt lõi. Đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 60/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung 2 nhóm vấn đề: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều đề cập đến những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này.

Các đại biểu nghe Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ những công việc cần làm trong thời gian tới. Từng cán bộ, đảng viên cũng đã hình dung ra được trách nhiệm cá nhân trong “cuộc cách mạng” chung của đất nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ và để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư yêu cầu, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa các địa phương với nhau, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân.