Bài 1: Giữ 'mạch sống' của cải cách
Giữ người tài - “linh hồn” của cải cách bộ máy
“Giữ người tài” không còn là một lựa chọn nhân sự, mà là trụ cột sống còn của cải cách bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: cải cách lần này là một cuộc cách mạng về tổ chức - thay đổi từ gốc, không chỉ sắp xếp đơn vị hành chính, mà cả cách đánh giá và sử dụng con người. Giữ đúng người - không thể đến sau, mà phải bắt đầu từ đầu: từ tư duy, thể chế đến hành lang minh bạch. Khi bộ máy mới được tinh gọn, thì mỗi người được giữ lại là một quyết định chiến lược; giữ đúng người, đúng lúc, đúng cách - là giữ lấy "mạch sống" của cải cách.
Bài 1: Giữ “mạch sống” của cải cách

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII. Ảnh: Duy Linh
Khi cả hệ thống chính trị đang triển khai đồng bộ, quyết liệt cho việc tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp - quyết sách chiến lược chưa từng có, vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển nhanh, bền vững và phục vụ Nhân dân tốt hơn - thì giữ người tài chính là giữ lấy sức sống, giữ nhịp thở cải cách; giữ người tài - phải là việc làm ngay bây giờ; không phải sau, không thể muộn.
Người tài không chỉ là người xuất chúng, nổi bật, mà còn bao gồm cả những người giỏi - những cán bộ thực sự làm được việc, có tư duy cải cách, nhạy bén với thực tiễn và biết cách vận dụng chính sách để tạo ra kết quả.
Khi quét sân mà hót mất… gốc rạ quý
Mối quan tâm ấy đang vang lên rất rõ trong các cuộc tiếp xúc cử tri toàn quốc trước Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp sẽ bàn và quyết định nhiều nội dung hệ trọng liên quan đến “cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Trong nhiều cuộc tiếp xúc đã và đang diễn ra, cử tri thẳng thắn bày tỏ lo ngại: sau sáp nhập, liệu những cán bộ thực sự làm được việc - nhất là ở cấp cơ sở - có nguy cơ bị gạt ra chỉ vì không đủ bằng cấp, thâm niên hay không khớp cơ cấu?
Băn khoăn của cử tri không phải không có cơ sở; ở một xã ven biển miền Trung, ông Lâm - một nông dân 67 tuổi - vẫn giữ khư khư tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà một cán bộ trẻ tên T. đã giúp ông làm trong 12 ngày, thay vì 12 tháng như trước. “T. thẳng thắn, mưa cũng đi đo đất cho dân nghèo” - ông kể. Nhưng cậu ấy cũng không được giữ lại sau sáp nhập, vì “vị trí địa chính đã đủ người”. Người thay thế là một cán bộ có thâm niên… nhưng “ít làm, đủ chuẩn”. Không ai phàn nàn. Nhưng ông Lâm thì lo: “Tao sợ cải cách mà không giữ người giỏi thì như quét sân mà hót mất gốc rạ quý”.
Những câu chuyện như T. là hiện thân cho tình trạng ở một số địa phương vẫn giữ nếp cũ “sống lâu lên lão làng”, coi trọng thâm niên hơn năng lực, dẫn đến khi lựa chọn cán bộ sau sáp nhập lại loại những người trẻ, làm được việc ra khỏi guồng quay. Đây là “điểm nghẽn” thực tiễn đang khiến bộ máy hành chính có nguy cơ bỏ lỡ những người “vừa có năng lực, vừa có khát vọng”, dẫn tới lãng phí nhân tài và làm giảm động lực cải cách từ bên trong.
Đặt trong bối cảnh đó, những chỉ đạo liên tiếp và rất rõ ràng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong tháng 4.2025 đã gửi đi thông điệp chính trị đặc biệt mạnh mẽ về yêu cầu giữ chân người tài - như một nguyên tắc tổ chức lại bộ máy. Tại Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 Khóa XIII sáng 16.4, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới.” Tổng Bí thư nêu rõ: tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp, đặc biệt là nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng phải hội tụ “đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng”.
Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 12.4, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Phải chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài...” Người đứng đầu Đảng đồng thời thấu hiểu tâm tư của đội ngũ cán bộ, và nêu rõ: “Nhiều đồng chí băn khoăn việc sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.”
Giữ lửa đổi mới - mạch kết nối - niềm tin
Cải cách bộ máy không chỉ là bài toán tổ chức, mà còn là bài toán con người. Người tài là lực lượng dễ tổn thương nhất trong cải cách nếu không có cơ chế đi kèm. Họ thường là người trẻ, chưa đủ thâm niên, chưa có “vị trí cứng”, dễ bị gạt khỏi cơ cấu. Họ dấn thân, đổi mới, nhưng nếu không được trao cơ hội - sẽ là người rút lui đầu tiên.
Cán bộ giỏi không chỉ là người “làm việc tốt” - họ là người thổi hồn vào bộ máy. Khi họ rút lui, điều mất mát lớn nhất là động lực đổi mới - mất cầu nối với cộng đồng và mất niềm tin trong nội bộ; một cán bộ tổ chức ở Hà Tĩnh từng nói: “Sau sáp nhập, có xã không còn cán bộ trẻ nào; hội họp vẫn đều - nhưng tinh thần cải tiến thì nguội dần”.
Giữ người tài không chỉ là giữ nhân lực - mà là giữ lửa đổi mới, giữ mạch kết nối với dân và giữ niềm tin trong chính bộ máy; một câu chuyện được chia sẻ trong một kỳ họp HĐND tỉnh năm 2021: sau khi Chủ tịch UBND xã trẻ, năng lực tốt không được bố trí lại, hai Phó Chủ tịch UBND xã còn lại cũng làm việc “tròn vai”, không còn hào hứng với các đề án mới vì “có làm cũng không được ghi nhận”.
Cải cách bộ máy giống như một cây đang được tỉa cành, bớt lá để lớn nhanh hơn; nhưng nếu chặt mất rễ - chính là đánh mất những người giỏi - thì cây không thể phát triển. Chúng ta có thể bỏ ghế, sáp nhập - nhưng không thể bỏ đi những người hiểu việc, làm được việc và dám đổi mới; cải cách sẽ thành công - nếu giữ được những “rễ sâu” của hệ thống.
Giữ người tài - không chỉ là điểm đến, mà là điều kiện tiên quyết để cải cách trở thành hiện thực; không còn là mong muốn, mà là mệnh lệnh phát triển - càng không thể là việc đến sau, mà phải là đích đến ngay từ đầu, ngay bây giờ, ngay hôm nay.
Không chỉ là gọn - phải tinh; không chỉ tinh - phải chất
Cuộc cải cách bộ máy lần này không chỉ là lớn chưa từng có về quy mô - mà còn sâu chưa từng có về tính chất; như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng: đây là một quyết sách chiến lược nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, chủ động phục vụ, đủ năng lực tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Sáp nhập bộ máy, thực hiện chính quyền hai cấp là bước ngoặt lịch sử - không chỉ thu gọn địa giới, mà đòi hỏi bộ máy mới phải tinh gọn, vận hành tốt và đáp ứng kỳ vọng cao hơn từ nhân dân. Chính quyền sau sáp nhập không chỉ cần ít người hơn - mà phải là những người giỏi hơn, dấn thân hơn, dám làm thật vì dân. Giữ người tài vì thế không còn là “việc nên làm”, mà là việc phải làm ngay - bằng chính sách kịp thời, nhân văn. Bộ máy chỉ thực sự “gọn và tinh” khi người dám mở đường được giữ lại, tiếp tục phát huy, và được tiếp thêm niềm tin để ở lại.
Muốn bộ máy mới hoạt động được, cần một “bản đồ nhân sự” rõ ràng - nơi người tài không bị lãng quên, không bị gạt ra rìa, và càng không thể ra đi trong im lặng. Nếu không thay đổi tư duy lựa chọn cán bộ, nguy cơ lớn nhất không chỉ là mất chất xám - mà là đánh mất niềm tin vào sự công bằng.
Để cải cách đi đến đích - cần nhìn lại thấu đáo một điều căn cốt: chúng ta đang đánh giá người tài bằng điều gì? Lý lịch tĩnh - hay giá trị sống động?